Nhờ ảnh selfie đăng trên Bumble, Tinder, Match… cộng đồng mạng đã xác định được tung tích của nhóm người gây ra bạo loạn. Những người này thường chụp ảnh đội mũ có khẩu hiệu "Make America Great Again" hoặc công khai ủng hộ Tổng thống Donald Trump. Một số “thám tử” nghiệp dư chia sẻ câu chuyện bắt nghi phạm trên Twitter, ban đầu, họ sẽ tiếp cận đối tượng, trò chuyện để tạo lòng tin, dần dần thu thập bằng chứng rồi chuyển cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Amanda Spataro là một trong số đó.
Tuy chỉ là một công dân bình thường, Amanda Spataro cảm thấy mình có nghĩa vụ phải giúp cảnh sát điều tra. Cô bắt chuyện với một người đàn ông khả nghi trên ứng dụng Bumble, khiến hắn tự tiết lộ chuyện mình từng có mặt tại Điện Capitol ngày 6.1 và gửi thêm ảnh chụp làm bằng chứng. Spataro cho biết: “Nếu bạn sắp phạm tội, bạn sẽ không khoe khoang về tội ác của mình". Thế nhưng, một số kẻ chịu trách nhiệm cho sự kiện ngày 6.1 lại rất tự hào với chiến tích của mình.
|
Công ty Bumble và Match Group - cũng là chủ sở hữu của Tinder, Hinge, OkCupid, PlentyofFish và Match - đang chặn những tài khoản bị cho là có liên quan đến cuộc bạo loạn Điện Capitol. Đại diện Match Group cho biết: "Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục cấm những người dùng bị FBI truy nã và chúng tôi luôn hợp tác với cơ quan hành pháp trong các cuộc điều tra của họ".
Bumble khẳng định: "Chúng tôi luôn khuyến khích cộng đồng của mình chặn và báo cáo những người vi phạm nguyên tắc. Chúng tôi cũng đã cấm những người dùng nền tảng để kích động bạo lực và khủng bố. Nếu ai đó trên nền tảng đang có ý định phạm tội, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan hành pháp".
Đa số ứng dụng hẹn hò đều có thuật toán quét hình ảnh và video để xóa những nội dung vi phạm điều khoản. Bumble cũng dùng phần mềm quét hồ sơ hẹn hò và tiểu sử của người dùng để phát hiện nội dung cổ vũ bạo lực, phân biệt chủng tộc hoặc phát tán thông tin sai sự thật về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Việc dùng ứng dụng hẹn hò để săn lùng nghi phạm có thể là lợi thế trong thời đại kỹ thuật số, giúp đẩy nhanh quá trình điều tra của cảnh sát. Dù vậy, vẫn có nguy cơ thuật toán nhận diện của ứng dụng mắc sai lầm, hoặc những nhà điều tra nghiệp dư xác định nhầm đối tượng khiến họ bị bắt oan. Chẳng hạn, bộ quét hình ảnh tự động của Bumble đã “thổi bay” tài khoản của một người tên Brandon Fellows vì anh này lỡ đăng ảnh chụp trước Điện Capitol dù không tham gia vụ bạo loạn. Công ty cũng không đưa ra bằng chứng giải thích vì sao tài khoản anh bị cấm.
|
Ashkan Soltani - luật sư tại Trung tâm Luật Georgetown cho rằng các ứng dụng hẹn hò không nên chặn các nghi phạm bạo loạn trước khi có phán quyết chính thức từ tòa án. Thay vào đó, ứng dụng nên cảnh báo đối tượng bạn đang quan tâm có thể đã từng tham gia biểu tình ở Điện Capitol, và người dùng sẽ tự quyết có nên kết giao với đối tượng kia hay không.
Bên cạnh đó, nhiều người còn lo ngại khả năng các công ty tư nhân đang liên kết với cơ quan hành pháp để kiểm soát khách hàng. Liz O'Sullivan - giám đốc của một tổ chức nghiên cứu công nghệ giám sát không ủng hộ hành động săn lùng nghi phạm bằng ứng dụng hẹn hò. Cô quan ngại: "Sẽ như thế nào nếu điều tương tự xảy ra với những người biểu tình Black Lives Matters? Những công cụ này đang nắm giữ quá nhiều quyền lực".
Sau cùng, ứng dụng hẹn hò Bumble buộc phải gỡ bộ lọc (filter) chính trị khỏi nền tảng của mình. Bộ lọc này giúp những người có cùng quan điểm chính trị có thể tìm thấy nhau, nhưng cũng khiến nhiều người không có mặt tại vụ bạo loạn Điện Capitol bị ảnh hưởng.
Bình luận (0)