Vì sao tài xế an toàn xe tự lái phải ‘hóa trang' thành ghế xe?

04/02/2019 10:33 GMT+7

Có lần, phóng viên của hãng tin Mỹ NBC bắt gặp một chiếc xe tự lái trên đường phố Arlington, bang Virginia. Nó có vẻ như không có người ngồi sau tay lái và đây là chuyện bất hợp pháp ở Mỹ.

Tuy nhiên khi nhìn kỹ hơn, phóng viên phát hiện ra rằng phương tiện tự lái nói trên là một phần của nghiên cứu do Viện Giao thông Công nghệ Virginia thực hiện, và bên trong xe thực ra có tài xế. Dù vậy, tài xế này ăn mặc như một chiếc ghế xe. Mục đích của việc này là để giúp anh ta “ít bị nhìn thấy hơn, song vẫn có khả năng giám sát và phản ứng an toàn với môi trường xung quanh”, theo MIT Technology Review.
Đó không phải là lần đầu “trang phục” ghế xe được các nhà nghiên cứu công nghệ xe tự lái mặc. Đầu năm 2017, giới nghiên cứu thuộc Đại học California, San Diego, lái xe tự hành quanh khuôn viên trường và mặc trang phục tương tự. Mục đích của họ là để hiểu cách tài xế xe khác và người đi bộ phản ứng với những chiếc ô tô dường như không có người.
Nhóm phát triển xe tự lái tại hãng Ford cho rằng trang phục ghế xe cũng có khi được dùng để giúp họ hình thành “ngôn ngữ chung” cho ô tô “trò chuyện” với người đi đường. Hồi năm 2018, hãng xe Mỹ từng công bố báo cáo an toàn xe tự lái, trình bày thí nghiệm mô phỏng xe tự hành, với tài xế biến thành chiếc ghế xe và hệ thống “ngôn ngữ chung” bằng màu sắc đèn khác nhau, báo hiệu chiếc xe đang làm gì.
Xe tự lái đang của hãng Ford với tài xế bình thường Ảnh: Ford
Một khi ô tô được điều khiển bằng máy móc, giao tiếp thực tế với người đi bộ trở nên khó hơn nhiều. Vì thế, Ford thử nghiệm thanh ánh sáng nhằm giúp tài xế truyền đạt “ý định” của xe tự hành. Hãng có kế hoạch sản xuất xe tự lái Cấp 4 vào năm 2021, song không để bán mà để sử dụng trong các đội xe giao hàng hoặc dùng cho dịch vụ gọi xe.
Chương trình giao hàng tự động của Ford khởi động đầu năm 2018 ở Miami, bang Florida (Mỹ) với Postmates và Domino's Pizza. Tại đây, nhiều khách hàng chọn phương thức giao hàng bằng xe tự hành, có thể vì họ thích sự mới lạ. Khách hàng nói rằng họ thích hướng dẫn âm thanh về cách lấy bánh pizza ra khỏi xe, như là họ đang tiếp xúc với một chiếc ô tô biết nói. Nhiều người còn vẫy chào tạm biệt xe sau khi đã nhận hàng.
Ford làm việc với hãng phần mềm Argo AI, cho hay Argo có chương trình đào tạo bảo đảm an toàn cho xe tự lái bằng những kỹ thuật đơn giản như tăng tốc và thắng xe, sau đó nâng cao lên mức điều khiển hoặc tự hành. Nếu một chiếc xe tự hành gặp tai nạn lớn, hệ thống sẽ tự động gọi số điện thoại của cảnh sát, bật đèn cảnh báo nguy hiểm, ghi nhật ký dữ liệu sự cố và đưa ra đại diện dịch vụ để trò chuyện cùng khách hàng. Từ đó, nó biết được mức nghiêm trọng của vụ tai nạn và quyết định bước đi kế tiếp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.