Sotheby's ước tính viên kim cương hình quả lê có thể thu về khoảng 15 triệu USD trong đợt đấu giá ở Hồng Kông. Đây cũng là vật phẩm đắt nhất từng được rao bán công khai bằng tiền mã hóa.
Theo Bloomberg, Josh Pullan - người điều hành bộ phận hàng xa xỉ của Sotheby's cho biết nhu cầu đá quý ngày càng tăng từ những khách hàng trẻ tuổi, thành thạo công nghệ, phần lớn sống ở châu Á. Chưa đến 10 viên kim cương nặng hơn 100 carat từng được bán đấu giá, trong số đó, chỉ 2 viên có hình quả lê.
Thời gian gần đây, các nhà đấu giá đã bắt đầu chấp nhận tiền mã hóa. Tháng trước, nhà đấu giá Phillips chào bán tác phẩm của nghệ sĩ Banksy, trả bằng Ethereum và Bitcoin. Christie's cũng đã cho phép dùng Ethereum thanh toán một lô tác phẩm số vào tháng 2 năm nay.
George Bak - cố vấn nghệ thuật tại Bảo tàng Nghệ thuật Kỹ thuật số Đương đại, đồng thời là chuyên gia về công nghệ blockchain, cho biết lãnh đạo các nhà đấu giá đã rất ngạc nhiên khi nhiều nhà sưu tầm muốn thanh toán bằng tiền mã hóa.
Bak cho biết: "Nhiều người đã giàu lên nhanh chóng nhờ sự biến động của thị trường tiền mã hóa trong năm qua, vì vậy họ đang có tâm trạng tiêu xài. Nếu muốn cạnh tranh trong giới nghệ thuật với tư cách là đại lý hay nhà đấu giá, việc cho phép nhà sưu tầm thanh toán bằng tiền mã hóa sẽ khiến bạn thu hút và mới mẻ hơn".
Dù giá trị của tiền mã hóa luôn tăng giảm thất thường, các nhà đấu giá hiếm khi chịu biến động, mà chủ nhân tác phẩm sẽ chịu rủi ro. Tuy nhiên, Bak không tin tiền mã hóa sẽ thay thế các loại tiền truyền thống. Người này nhận định: "Tôi thấy tiềm năng trong việc sở hữu cùng lúc ví điện tử và tác phẩm nghệ thuật hữu hình. Nhưng đây mới chỉ là những ngày đầu, mọi người vẫn cần làm quen".
Bình luận (0)