Công nghiệp Quảng Ngãi ‘bay cao’ từ đôi cánh lọc hóa dầu và luyện kim

29/09/2023 09:30 GMT+7

Quảng Ngãi đang đặt mục tiêu phát triển thành một tỉnh công nghiệp với quy mô của hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim đứng đầu cả nước.

Nơi "sếu đầu đàn" chọn làm tổ

Thời gian qua, ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi đã khẳng định được vị thế trong nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung và Tây nguyên. Nhắc đến chuyện phát triển công nghiệp ở Quảng Ngãi phải kể đến Khu kinh tế Dung Quất. Nơi này hiện có 346 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 18,120 tỉ USD (59 dự án FDI và 287 dự án đầu tư trong nước). Khu kinh tế này đang có nhiều dự án công nghiệp hàng đầu cả nước như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Việt Nam…

Công nghiệp Quảng Ngãi ‘bay cao’ từ đôi cánh lọc hóa dầu và luyện kim - Ảnh 1.

Cảng Hòa Phát Dung Quất

Ảnh: CTV

Khu kinh tế Dung Quất đã hình thành khoảng 20 năm nhưng thực sự có "tên tuổi" khi Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất rộng 800 ha được khởi công cuối năm 2005. Đến tháng 5.2008, sản phẩm lọc dầu ra đời tại Dung Quất, đánh dấu sự kiện lớn ở đất Quảng Ngãi. Đến nay, Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chế biến được hơn 90 triệu tấn dầu thô, sản xuất và xuất bán ra thị trường hơn 86 triệu tấn sản phẩm, lợi nhuận sau thuế hơn 44.000 tỉ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 209.000 tỉ đồng.

Nhiều người ví BSR như "cánh tay khổng lồ" đưa giá trị sản xuất công nghiệp Quảng Ngãi lên cao. Nếu năm 1989, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi là 601 tỉ đồng thì đến cuối năm 2022 là 129.000 tỉ đồng (tăng hơn 200 lần). Trong năm 2022, BSR đóng góp hơn 19.000 tỉ đồng cho ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi (chiếm 54% ngân sách toàn tỉnh).

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiệm vụ "Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất". Việc xây dựng trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia ở đây sẽ tạo đòn bẩy mới cho sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi, đặc biệt là phát triển công nghiệp.

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động cũng đóng góp nhiều cho ngân sách và tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn công nhân trên địa bàn Quảng Ngãi. Hiện ở Khu kinh tế Dung Quất, hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án này sôi nổi nhất.

Công nghiệp Quảng Ngãi ‘bay cao’ từ đôi cánh lọc hóa dầu và luyện kim - Ảnh 2.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ảnh: CTV

Công ty CP Hòa Phát Dung Quất cho biết đang hoàn thiện thủ tục nâng công suất dự án này từ 4 triệu tấn/năm lên 6 triệu tấn/năm. Ngoài ra, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (công suất 5,6 triệu tấn/năm) cũng đang triển khai xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất.

Dự kiến sau khi hoàn thành, 2 dự án sản xuất gang thép của Công ty CP Hòa Phát Dung Quất có tổng công suất 11,6 triệu tấn/năm, thuộc diện lớn nhất Đông Nam Á và sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho người dân Quảng Ngãi có việc làm, có thu nhập ổn định.

Thêm nhiều khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị hiện đại

UBND tỉnh Quảng Ngãi đang xem xét, quy hoạch 3 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ lớn nằm về phía bắc tỉnh, phần lớn là ở Khu kinh tế Dung Quất. Trong đó, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Thanh (Khu công nghiệp Bình Thanh) rộng gần 3.400 ha ở khu đông H.Bình Sơn, tổng vốn đầu tư 41.000 tỉ đồng. Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến xây dựng dự án này theo hướng hiện đại, kiểu mẫu của Khu kinh tế Dung Quất.

Công nghiệp Quảng Ngãi ‘bay cao’ từ đôi cánh lọc hóa dầu và luyện kim - Ảnh 3.

Khu Liên hiệp công nghiệp VSIP Quảng Ngãi

Ảnh: CTV

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đặt yêu cầu xây dựng Khu công nghiệp Bình Thanh ít ảnh hưởng đến đời sống người dân, đồng thời tạo điều kiện để người dân có thu nhập, dựa vào khu công nghiệp này để mưu sinh. Môi trường sinh thái ở đây cũng được chú trọng khi nhà thiết kế quy hoạch khai thác cảnh quan tự nhiên như hồ nước, suối, sông hiện hữu để kết hợp xây dựng thành công viên trung tâm, có hồ điều hòa ở trung tâm đô thị, công viên cây xanh, hệ thống kênh thoát nước… tạo không gian sinh thái hiện đại.

Ngày 19.9, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, chủ trì cuộc họp để nghe và cho ý kiến đối với Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ Tịnh Phong. Khu công nghiệp này được lập quy hoạch có diện tích khoảng 2.481 ha (thuộc9 phân khu nam Dung Quất), thuộc địa bàn các xã Tịnh Phong, Tịnh Thọ (H.Sơn Tịnh) và xã Bình Hiệp (H.Bình Sơn). Khu công nghiệp này được tỉnh Quảng Ngãi tính toán phát triển theo mô hình công nghiệp sinh thái, công nghiệp nhẹ.

Công nghiệp Quảng Ngãi ‘bay cao’ từ đôi cánh lọc hóa dầu và luyện kim - Ảnh 4.

Quy hoạch Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Thanh

Ảnh: CTV

Còn Khu đô thị - dịch vụ đông nam Dung Quất và đô thị Lý Sơn có tổng diện tích quy hoạch khoảng 7.345 ha cũng đang được xem xét với nhiều khu chức năng, trong đó có khu đô thị mới kết hợp khu du lịch sinh thái, khu đô thị sinh thái kết hợp vui chơi giải trí cao cấp, khu thương mại - du lịch nghỉ dưỡng…

Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, dù có nhiều khó khăn nhưng kinh tế Quảng Ngãi đang phát triển, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 0,2% so với cùng kỳ. Đây là điểm sáng, tín hiệu tích cực cho thấy ngành công nghiệp đang từng bước phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Với những gì đã có và đang trong quá trình hình thành, nền công nghiệp Quảng Ngãi sẽ "cất cánh" trong tương lai gần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.