Sau khi xung đột nổ ra, Ukraine trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới trong năm 2022, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển). Nhu cầu này đã đặt ra các thuận lợi và thách thức đối với ngành công nghiệp quốc phòng của các đồng minh của Ukraine, cũng như đối với Nga.
Ngành công nghiệp vũ khí phương Tây trúng lớn
Xung đột Nga-Ukraine đánh dấu lần đầu tiên Liên minh châu Âu (EU) cung cấp vũ khí sát thương cho một nước thứ ba. Kể từ sau khi chiến sự nổ ra, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đã đạt được mức doanh thu kỷ lục, đài CNN đưa tin.
Theo ông Micael Johansson, Giám đốc nhà thầu quốc phòng Saab của Thụy Điển, chiến sự ở Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu về vũ khí để dự trữ của châu Âu. "Nhu cầu này sẽ tiếp tục trong vài năm tới”, ông Johansson nói.
Ông Johansson cho biết các đơn đặt hàng gửi trực tiếp cho Ukraine bắt đầu tăng vào tháng 12.2022. Ông dự đoán doanh số bán hàng của Saab sẽ tăng 15% trong năm nay.
Cùng với EU, Anh và Mỹ cũng nhiều lần tái khẳng định tình đoàn kết với Ukraine. Các cam kết của phương Tây đã chuyển thành các gói hỗ trợ quân sự đắt đỏ trong những tháng gần đây.
SIPRI: Châu Âu tăng nhập khẩu, Mỹ thống trị xuất khẩu vũ khí
Vào đầu tháng 2, EU thông báo sẽ chuyển thêm 545 triệu euro (13.700 nghìn tỉ đồng) vào quỹ hỗ trợ quân sự trị giá 3,6 tỉ euro cho Ukraine. Trước đó vào tháng 1, Đức, Pháp, Ba Lan và Anh đã đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại cho Kyiv, đáp lại lời kêu gọi từ lâu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nhu cầu này ngày càng khiến ngành công nghiệp quốc phòng thu được doanh thu cao hơn. BAE Systems, nhà thầu quốc phòng lớn nhất châu Âu tính theo doanh thu, đã ghi nhận các đơn đặt hàng kỷ lục trị giá 37 tỉ bảng Anh (hơn 1,05 triệu tỉ đồng) vào năm ngoái, mặc dù phần lớn trong số đó có liên quan các hoạt động trước khi xung đột nổ ra.
Cổ phiếu BAE cũng tăng 55% kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Công ty dự báo rằng thu nhập trên mỗi cổ phiếu, vốn là thước đo khả năng sinh lời, sẽ tăng từ 5-7% vào năm 2023.
Dù vậy, một số nhà thầu quân sự châu Âu vẫn phải đối mặt các vấn đề. Hãng tin AP dẫn lời lãnh đạo các công ty công nghiệp quốc phòng của Đức cho biết họ sẵn sàng tăng sản lượng, bao gồm các loại vũ khí và đạn dược mà Ukraine cần. Tuy nhiên, chính phủ cần làm rõ với các công ty về những kỳ vọng của họ trước khi đổ tiền vào sản xuất.
Ngoài ra, ông Hans Christoph Atzpodien, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Công nghiệp Quốc phòng và An ninh Đức cũng nhấn mạnh các công ty Đức muốn châu Âu thống nhất với nhau về các quy tắc sản xuất vũ khí. Theo ông, điều này sẽ đảm bảo ngành công nghiệp vũ khí Đức không thiệt thòi so với các đối thủ cạnh tranh ở một số nước láng giềng.
Nga nói 6 loại vũ khí nào phát huy hiệu quả tốt tại Ukraine?
Nga giảm sản lượng vũ khí xuất khẩu
Nga từ lâu đã là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, nhưng doanh số bán vũ khí của nước này đã giảm kể từ năm 2014, tờ The Wall Street Journal đưa tin.
Theo tờ báo này, hoạt động quân sự ở Ukraine đang làm giảm thị phần của Nga trong ngành thương mại vũ khí toàn cầu. Theo giới phân tích, trước các biện pháp trừng phạt ngày càng tăng của phương Tây, Nga cần phải hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn vũ khí cho chính mình.
Mức xuất khẩu thấp hơn có nguy cơ làm giảm doanh thu của Nga bán ra nước ngoài, vốn được sử dụng để tài trợ việc nghiên cứu phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí mới, theo The Wall Street Journal.
Vị thế trung lập ảnh hưởng đến ngành sản xuất vũ khí
Theo trang Breaking Defense, tính trung lập của một nước có thể đẩy ngành công nghiệp nước này vào tình thế khó và không thể cạnh tranh với các nước khác. Đây là tình thế Thụy Sĩ, một nước nổi tiếng trung lập, đang phải đối mặt, khi các bên tại quốc hội tranh luận sôi nổi về khả năng từ bỏ lệnh cấm tái xuất khẩu vũ khí do nước này sản xuất sang Ukraine.
Tổng thư ký Liên đoàn công nghiệp quốc phòng Thụy Sĩ Matthias Zoller cho rằng trạng thái trung lập đang khiến ngành công nghiệp vũ khí nước này "đánh mất thị trường”.
Hàn Quốc thu lợi khủng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine
Ngoài ra, tính trung lập của Thụy Sĩ cũng đặt câu hỏi về việc liệu nước này có thể xuất khẩu vũ khí trong trường hợp các quốc gia đối tác bị tấn công hay không.
“Không ai yêu cầu Thụy Sĩ giao vũ khí trực tiếp cho Ukraine. Chúng tôi hiểu rằng điều này không phù hợp với tính trung lập. Đây là vấn đề về việc tái xuất khẩu vũ khí và đạn dược của Thụy Sĩ nằm trong kho của các đối tác châu Âu [cho Ukraine]. Nếu chúng bị chặn, đó là một vấn đề đối với châu Âu", Đại sứ Pháp tại Thụy Sĩ Frédéric Journès nói với tờ NZZ am Sonntag.
Bình luận (0)