Những ngày đầu năm, hàng ngàn công nhân tại Hà Nội, TP.HCM... ngừng việc để phản đối doanh nghiệp cắt các khoản phụ cấp tăng lương tối thiểu.
Tại Hà Nội, vừa trở lại làm việc 1 ngày, ngày 16.2, hơn 600 công nhân (CN) tại Công ty TNHH Inkel (100% vốn Hàn Quốc, tại KCN Quang Minh, H.Mê Linh) đã đồng loạt ngừng việc. Theo phản ánh của các CN, trong hợp đồng lao động ký kết giữa người lao động (NLĐ) với công ty, NLĐ sẽ được hưởng mức lương cơ bản là 3,317 triệu đồng + phụ cấp 400.000 đồng/tháng. Theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, áp dụng tháng 1.2016, thu nhập của NLĐ phải được tăng tối thiểu là 400.000 đồng. Tuy nhiên, công ty lại cắt các khoản phụ cấp như tiền chuyên cần, phụ cấp bằng cấp… Tính cả lương và phụ cấp của NLĐ chỉ được tăng 128.000 đồng/tháng.
Một CN cho hay: “Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải đình công vì công ty không tôn trọng NLĐ. Ngoài cắt giảm các khoản phụ cấp, công ty còn có ý định sa thải CN nữ đang mang bầu và sau sinh, bữa ăn ca không đảm bảo vệ sinh…”. Đến chiều 17.2, ông Park Yong-seon, Giám đốc Công ty TNHH Inkel VN, đã chấp thuận điều chỉnh một số nội dung liên quan đến mức lương cơ bản áp dụng từ 1.1.2016.
Còn tại TP.HCM, tính đến ngày 18.2, vụ đình công ở Công ty TNHH Nissey VN (100% vốn Nhật Bản, KCX Tân Thuận) đã qua 4 ngày chưa có dấu hiệu dừng lại. Tương tự như vụ đình công ở Hà Nội, gần 3.000 CN ngừng việc để phản đối cách điều chỉnh lương tối thiểu. Mặc dù được tăng lương cơ bản lên hơn 200.000 đồng/người, nhưng phụ cấp cho CN lại bị cắt giảm 200.000 đồng/tháng. Sau khi trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, lương cơ bản của CN vẫn không tăng. Đến ngày 18.2, lãnh đạo công ty đã 2 lần ra thông báo điều chỉnh sẽ tăng thêm phụ cấp cho NLĐ. Lần thứ nhất, tăng thêm 20.000 đồng/tháng đối với mỗi năm thâm niên làm việc và không quá 200.000 đồng và lần thứ 2 tăng 100.000 đồng vào phụ cấp, nhưng NLĐ không thỏa mãn, đồng thời yêu cầu công ty phải tăng 200.000 đồng vào lương cơ bản năm 2016 và xem xét tính lương những ngày mà CN ngừng việc.
Tại Hải Phòng, 500 CN của Công ty TNHH JH Cos VN (100% vốn Hàn Quốc, đóng tại H.An Lão) cũng đã ngừng việc 2 ngày (17 và 18.2) do công ty không trả lương theo thỏa thuận đã ký kết.
Trước đó, trong tháng 1.2016, hàng ngàn CN của Công ty Triumph International (KCN Sóng Thần, Bình Dương) và hàng ngàn CN của Công ty TNHH sợi Tainan VN, đóng tại KCN Biên Hòa 2 (Đồng Nai) cũng đã đình công để phản đối chính sách lương.
Tại buổi làm việc giữa Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN và LĐLĐ TP.Hà Nội ngày 19.2, bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội, bày tỏ sự lo lắng và đề nghị Tổng LĐLĐ cần quan tâm chỉ đạo. “Vụ đình công tại KCN Quang Minh chúng tôi đã giải quyết xong, tuy nhiên nếu chủ sử dụng LĐ không làm đúng, đầy đủ quy định của pháp luật thì đó sẽ là sơ hở để các tổ chức lợi dụng kích động CN đình công, lãn công, gây dư luận không tốt”, bà Tuyến nói.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cũng khẳng định doanh nghiệp (DN) cắt giảm quyền lợi của NLĐ là sai, bởi trong Nghị định 122/2015/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2016 cũng đã nêu rõ: DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Bình luận (0)