Đó là chia sẻ từ nhiều công nhân sau khi tham gia các lớp tập huấn diễn ra tại các khu công nghiệp ở Thái Nguyên và Vĩnh Phúc, do Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Công đoàn các khu công nghiệp ở địa phương tổ chức.
Nhà ở xã Giàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, anh Vàng Seo Dế xuống làm công nhân tại Công ty TNHH Optrotec (KCN Bá Thiện 2, Vĩnh Phúc). Được dự tập huấn, anh Dế chăm chú lắng nghe chuyên gia giảng bài và các cuộc thảo luận sôi nổi. Những thủ đoạn được các nhóm tội phạm sử dụng lôi kéo, dẫn dụ người khác sử dụng ma túy giúp anh Dế nhớ lại lần bị lợi dụng, lừa gạt vô tình dính líu đến tội phạm ma túy ở quê nhà.
Đó là khoảng thời gian cách đây 3 năm về trước, anh Dế xuống TP. Lào Cai (tỉnh Lào Cai) làm nghề bốc xếp, giao hàng. Người bạn cùng xóm trọ với anh không có điện thoại di động, mỗi khi có việc cần liên lạc với người thân, bạn bè liên tục mượn điện thoại của anh gọi qua ứng dụng zalo, facebook. Tin bạn, anh Dế chẳng may hoài nghi, hồn nhiên cho bạn mượn điện thoại để giao dịch công việc. Nhưng may mắn cho anh, chủ hàng nơi Dế làm việc lại biết rõ người này từng nghiện hút và cảnh báo anh cần tránh xa. Cũng nhờ sự trợ giúp của ông chủ tốt bụng, Dế giật mình khi thấy sim điện thoại của mình được dùng để liên lạc với một số đối tượng nghiện hút ở TP. Lào Cai. “May là em chưa bị lừa gạt để sử dụng ma túy, em quyết chia tay ông chủ, nghỉ việc cắt đứt liên lạc với những người trong xóm trọ xuống Vĩnh Phúc tìm việc làm”, Dế kể.
Chia sẻ sau lớp tập huấn tại Thái Nguyên, anh V.Q.H (31 tuổi), công nhân Công ty RFT, Khu công nghiệp Điềm Thụy (TP.Sông Công), cho rằng nhiều câu chuyện được nghe về tội phạm ma túy rất gần gũi với đời sống sinh hoạt hằng ngày. Cuộc sống xa nhà nhiều khi buồn chán, cánh đàn ông lại hò nhau ăn nhậu, hôm nào có sinh nhật cuối tuần thì có thêm đi hát, đi chơi thâu đêm…“Ngồi nhậu, ai có thuốc lá mới, thuốc ngon mời nhau dùng thử cho biết hương vị là chuyện bình thường và nếu không cảnh giác thì rất dễ sử dụng các loại vào ma túy mới được đưa vào mời gọi công nhân”, anh H. nói.
Còn theo chị Nguyễn Thị Liên, nhân viên phụ trách nhân sự Công ty Optrotec (KCN Bá Thiện 2, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), lớp tập huấn kỹ năng phòng chống ma túy như đang tổ chức rất hữu ích đối với người làm nghề công tác nhân sự. Doanh nghiệp này từng phát hiện công nhân sử dụng ma túy khi xét nghiệm khám sức khỏe định kỳ. Từ buổi tập huấn, theo tư vấn và hướng dẫn của các chuyên gia, cán bộ làm công tác nhân sự nếu quan sát đời sống, thói quen sinh hoạt, lịch làm việc của công nhân nếu phát hiện có các dấu hiệu bất thường trong sinh hoạt hằng ngày có thể nhận diện người này có khả năng sử dụng ma túy hay không để chủ động các biện pháp can thiệp, hỗ trợ và phòng ngừa để không làm ảnh hưởng đến an toàn lao động trong doanh nghiệp.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, qua 2 lớp tập huấn tại Thái Nguyên và Vĩnh Phúc đã có 500 công nhân, cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp tiếp cận được kiến thức mới; họ được đào tạo kỹ năng nhận diện, phòng ngừa ma túy. Dự kiến trong ngày 23.12 tới, lớp tập huấn về ma tuý với những nội dung tương tự sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP. Hải Phòng.
Bình luận (0)