Tình cờ nghe câu chuyện của bạn trẻ lập nghiệp từ thảo mộc
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Nghệ An, từ nhỏ chị Thủy phải ra đồng, phụ mẹ bán rau ngoài chợ. Mong muốn thoát cảnh nghèo khổ, chị Thủy đã rời quê vào TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, làm công nhân may.
Sau vài năm, chị Thủy lập gia đình và nghỉ việc về H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai sinh sống. "Tại đây, tôi bắt đầu trồng rau, nuôi gà, heo rồi chở đi bán ở các tỉnh lân cận. Do chưa có kinh nghiệm trong việc kinh doanh tôi bị người ta lừa hết 150 triệu đồng. Quá sợ hãi, tôi chỉ nuôi gia súc, gia cầm rồi bán cho bà con trong vùng", chị Thủy cho hay.
Năm 2018, chị Thủy tình cờ nghe được câu chuyện bạn trẻ bỏ phố về quê, lập nghiệp bằng việc trồng và làm những sản phẩm từ các loại cây thảo mộc như: sả, bồ kết, gừng, hương nhu, ngải cứu, bạc hà…
Thế là, chị Thủy đã lên mạng tìm kiếm thông tin và đi hỏi những anh chị có chuyên môn về tác dụng của mỗi loại thảo mộc trên. Sau đó, chị đi xin giống về trồng, nghiên cứu.
Thời gian đầu, chị Thủy gặp nhiều khó khăn trong việc trồng trọt, nuôi dưỡng những cây thảo mộc. "Do tôi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học nên khó khăn trong việc chăm sóc, cây dễ chết. Để khắc phục, tôi ra chợ xin mía về phủ khắp vườn, thu hút giun, dế về từ đó vi sinh vật sinh sôi, làm đất trồng màu mỡ, tơi xốp hơn", chị Thủy nói.
Sau vài tháng, những cây thảo mộc của chị Thủy trồng phát triển không ngừng. Đồng thời, chị cũng bắt tay vào sản xuất sản phẩm từ những nguyên liệu này.
"Sản phẩm đầu tiên của tôi là túi lọc gội đầu. Tuy sản phẩm chất lượng tốt nhưng kén người dùng. Sau đó, tôi bắt đầu làm xà phòng từ các loại thảo mộc như: gừng nghệ, hương nhu, ngải cứu", chị Thủy nhớ lại.
"Năm 2020, tôi biết được thêm thông tin về làm xà phòng từ bưởi. Ngay sau đó, tôi đi thu mua vỏ bưởi từ những người dân trồng rồi bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu, điều chỉnh công thức để có được bánh xà phòng chất lượng gửi đến khách hàng", chị Thủy kể thêm.
Trong xà phòng thảo mộc, ngoài thành phần chính là bưởi, chị Thủy còn sử dụng thêm tinh dầu bạc hà nên sản phẩm không chỉ có hương thơm đặc trưng mà còn mang đến cho người sử dụng cảm giác thoải mái, thư giãn.
"Để đa dạng nguồn hàng, tôi liên tục sản xuất nhiều sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ thảo mộc như: tinh dầu chống say xe, muối ngâm chân, xông tắm thảo mộc, dầu gội bưởi...", chị Thủy nói.
"Mỗi tháng tôi kiếm được từ 25 - 35 triệu đồng"
Có được những sản phẩm chất lượng, chị Thủy tiếp tục học cách quảng bá sản phẩm sao cho thu hút khách.
"Không chỉ có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, tôi còn đầu tư cho sản phẩm những thiết kế bao bì đẹp mắt, khác lạ. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá những mặt hàng qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội", chị Thủy cho hay.
"Tôi còn chủ động đăng ký tham gia, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc quảng bá sản phẩm tại hội chợ, triển lãm. Trung bình mỗi tháng tôi kiếm được từ 25 triệu - 35 triệu đồng nhờ bán xà phòng nói riêng, các mặt hàng từ thảo mộc nói chung", chị Thủy cho hay.
Tại nông trại, chị Thủy trồng thêm các loại rau xanh, cây ăn quả, quanh nhà để làm du lịch. "Đến với nông trại, du khách sẽ được trực tiếp trải nghiệm các công đoạn gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch rau theo phương pháp hữu cơ, trải nghiệm một cách sống xanh. Cũng như biết được kiến thức về cây trồng và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm hữu cơ", chị Thủy chia sẻ.
Với chị Thủy, thời gian đầu lập nghiệp vô vàn khó khăn, thách thức. Từ một người không biết gì nhưng chị luôn cố gắng mày mò, tự học, nỗ lực hơn mỗi ngày. "Nếu bạn trẻ bỏ phố về quê và chọn con đường lập nghiệp giống tôi thì nên đi làm tình nguyện viên ở các nông trại trước để học tập và đúc kết kinh nghiệm, tránh được những sai lầm nhỏ nhất", chị Thủy cho lời khuyên.
Chị Thủy từng đạt giải ba cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng dự án phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" lần thứ 4.2022 của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đồng Nai; là thanh niên nông thôn xuất sắc, nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2023, do T.Ư Đoàn tổ chức.
Ông Nguyễn Trần Phước Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cho hay không chỉ cố gắng, cần cù chịu khó chị Thủy còn là gương lập nghiệp thành công được nhiều bạn trẻ tại địa phương học tập kinh nghiệm.
"Những sản phẩm của chị Thủy tạo ra đều đạt chất lượng. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tích cực hỗ trợ chị Thủy trong việc kinh doanh để giúp doanh thu tăng hơn", ông Lộc nói.
Bình luận (0)