Công nhân, viên chức lao động chiếm 7,31% số ca nhiễm Covid-19

14/09/2021 17:28 GMT+7

Cả nước có 44.554 công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) bị nhiễm Covid-19 (chiếm tỷ lệ 7,31% số ca nhiễm).

Đây là thông tin Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cho biết tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống Covid-19 và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLĐ) diễn ra chiều nay, 14.9.
Theo bà Trần Thị Thanh Hà, quyền Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐVN, thống kê của các cấp công đoàn, tính đến 13.9 đã có 44.554 ca nhiễm là CNVCLĐ tại địa bản 51 tỉnh, thành phố trên tổng số 608.998 ca lây nhiễm (chiếm tỷ lệ 7,31%), trong đó đã có 129 CNVCLĐ tử vong.
Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã áp dụng giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải tạm dùng hoạt động, thu hợp sản xuất, giải thể; hơn 2 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do NLĐ bị cách lý, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa và con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong thời gian tới.
Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ NLĐ; đồng thời chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Tổng LĐLĐVN đã ban hành các chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực vào cuộc để động viên, thăm hỏi, tặng quà, chuyển nhu yếu phẩm khẩn cấp cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, với tổng số tiền hơn 4.375 tỉ đồng, trong đó chi trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hơn 1.121 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo bà Hà, quá trình xây dựng một số chính sách chưa bao quát hết các đối tượng, chưa dự liệu hết những tình huống thực tế xảy ra. Việc hướng dẫn thực hiện các chính sách có thời điểm chưa kịp thời, có nội dung chưa thống nhất.
“Dịch bệnh Covid -19 là vấn đề chưa có tiền lệ, diễn biến nhanh, lây lan rộng, tác động lớn nên khả năng đánh giá tác động và dự liệu các vấn đề thực tiễn trong quá trình xây dựng chính sách khó được thực hiện đầy đủ, toàn diện. Nguồn lực công đoàn có hạn trong khi đối tượng cần hỗ trợ lớn, cấp thiết trên diện rộng”, bà Hà cho hay.

TP.HCM: 152.894 ca Covid-19 hồi phục, hơn 90% dân số trên 18 tuổi tiêm vắc xin

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ NLĐ và chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn, trong đó có việc hỗ trợ NLĐ đang làm việc ở các doanh nghiệp theo mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến", xem xét, đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định giảm một phần kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Tổng LĐLĐVN yêu cầu các cấp công đoàn tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình đoàn viên, NLĐ để cùng chính quyền địa phương đảm bảo lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và đảm bảo trật tự an toàn xã hội cho người dân, trong đó có công nhân lao động.
Để tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương bổ sung thêm đối tượng NLĐ chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia BHXH cũng được quan tâm hỗ trợ như đối tượng lao động tự do; đồng thời tháo gỡ khó khăn trong việc giải quyết chính sách BHXH, nhất là bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.