Công Ninh xuất hiện ở 5B (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM) trong bộ áo da rất ngầu. Mắt đeo thêm cặp kính đen, đầu đội mũ lưỡi trai, và cưỡi chiếc xe cổ đen mun. Bạn bè chọc: “Hơi... ngựa đấy!”. Công Ninh lập tức giãy nảy: “Áo đi đóng phim đó ông ơi! Mà áo này thì phải đi với mắt kính này. Hi hi, tui đang... thử đồ chớ bộ!”. Nhưng chiếc xe cổ thì rõ là thú chơi của anh, không thanh minh thanh nga gì hết. Bởi vài hôm sau lại thấy anh lạch xạch một “con” Cúp 78 sơn xanh lè màu nước biển, trông khá... sến. Vậy mà anh tỉnh rụi bảo: “Dân Hà Nội đang săn mấy con này với giá 15 triệu đó nghen. Tui sơn như vầy chạy ra đường cả phố quay lại nhìn tui”. Ủa, nổi tiếng quá mà, sao người ta không thèm nhìn người mà lại... nhìn xe? “He he, người lèng xèng quá nên nhìn hổng ra!”. Thiệt tình, sau cái “vụ” áo da, Công Ninh “hiện nguyên hình” trở lại với đầu tóc lùm xùm, áo quần xoàng xĩnh, không hề có chút “hào quang” của nghệ thuật. Một Công Ninh giản dị, gương mặt gầy khắc khổ, dường như bao nhiêu thông tuệ lặn hết vào trong, không dám phô ra. Và cả trái tim cũng dồn nén yêu thương theo một kiểu khác, không biết bày tỏ cảm xúc, đến nỗi người ta hiểu lầm, và... chia tay. Một Công Ninh cố gồng mình vài bữa với áo quần, xe cộ, với kiểu cười nói hi ha, nhưng cuối cùng cũng trở lại sự trầm lặng, xuề xòa. Anh lắc đầu: “Tôi làm màu không được!”.
Tôi không có tự ái vặt. Vai gì miễn hợp thì thôi. Tại sao cứ câu nệ tên tuổi, công việc chi cho mệt. Và tôi biết có nhiều phim là “thị trường” nhưng vẫn vui vẻ làm, để nuôi ước mơ có ngày mình làm một vở kịch theo đúng ý mình. Tôi vẫn không quên tôi là đạo diễn sân khấu.
|
|
Dựng ít, diễn nhiều, giỏi chịu đựng...
Thật ra Công Ninh dựng không nhiều, chỉ trên dưới 30 vở trong gần 20 năm làm nghề. Nhưng nhiều vở của anh gây tiếng vang mạnh mẽ. Tôi còn nhớ cái thời 5B mới gầy dựng, ấn tượng về Ê-lê-na thân yêu và Gái giang hồ quốc tế tuyệt vời làm sao! Một vở đã đưa Khánh Hoàng và Ái Như lên thật đẹp. Tôi cứ nhớ mãi hai gương mặt trẻ trung khi ấy đã diễn hết mình trên sàn gỗ của 5B trong một không gian chật hẹp, nóng bức, khán giả mỗi người cầm trên tay cái quạt giấy. Vậy mà người ta đã lặng phắc đi, quên cả nóng, để trái tim đập theo Khánh Hoàng và Ái Như. Còn một vở dường như dành riêng cho cô đào giọng Bắc - Minh Trang. Một ả giang hồ đã khuấy động cả làng sân khấu, có thể nói đó là vai diễn để đời của Minh Trang. Thế nhưng hồi đó người ta không công nhận sự quan trọng của đạo diễn. Nhiều người vẫn quan niệm sân khấu là của diễn viên. Mãi đến vở Dạ cổ hoài lang vẫn thế. Công Ninh đã phản đối. Bởi theo anh, vai trò của đạo diễn rất quan trọng, vì họ là người tổ chức và quán xuyến tất cả đường dây kịch bản, trong khi diễn viên, dù là ngôi sao, thường chỉ chăm chút được trong phần việc của mình mà thôi. Lúc ấy Công Ninh bị “dập” te tua. Coi như đó là nỗi đau lớn nhất trong đời. Anh nản chí, gần như giã từ sân khấu. Nhưng chẳng bao lâu, người ta nhận ra quan điểm của anh là đúng. Sân khấu bây giờ đánh giá rất cao bàn tay của đạo diễn. Đạo diễn có thể “phù phép” cho kịch bản có nhiều ngôn ngữ thể hiện khác nhau, và đó là sự khác biệt đầy đẳng cấp. Sân khấu bây giờ đã đúng như anh mong mỏi.
|
Thế nhưng Công Ninh lại không còn thời gian để dựng vở nữa. Anh đã bị điện ảnh “bắt cóc” tự hồi nào. Những vai diễn của anh đều ghi dấu đậm nét trong ký ức người xem, đến nỗi nhiều người cứ tưởng anh là diễn viên mà quên béng đi cái nghề đạo diễn. Một gương mặt gầy nhưng cực kỳ “điện ảnh”. Và cả thân hình ốm nhom ấy cũng thật “đắt giá” trong bối cảnh người người đều no đủ, mập mạp. Đóng phim nhựa xong, đến thời phim truyền hình dài tập cũng thấy Công Ninh tham gia. Thì đã nói, dễ gì tìm ra “con ma cây” như vậy, nên đạo diễn nào cũng chộp lấy anh mà giao cho những vai... khổ sở. Nào xe ôm, thương binh, công nhân vệ sinh... và sắp tới sẽ là một vai... ở đợ! Công Ninh cười khì: “Tôi không có tự ái vặt. Vai gì miễn hợp thì thôi. Tại sao cứ câu nệ tên tuổi, công việc chi cho mệt. Và tôi biết có nhiều phim là “thị trường” nhưng vẫn vui vẻ làm, để nuôi ước mơ có ngày mình làm một vở kịch theo đúng ý mình. Tôi vẫn không quên tôi là đạo diễn sân khấu”.
Đạo diễn – diễn viên Công Ninh tên thật là Nguyễn Công Ninh, từng theo học diễn xuất tại trường Nghệ thuật Sân khấu 2 TP.HCM. Năm 1984, học đạo diễn tại Liên Xô (cũ). Năm 1990 về nước, giảng dạy tại trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM; trở thành Trưởng khoa diễn viên tại trường từ 1995 đến nay. Những vở đã dựng: Ê-lê-na thân yêu, Gái giang hồ quốc tế, Dạ cổ hoài lang, Cõi tình, Sống thử, Đêm họa mi... Những phim đã đóng: Đời cát, Ai xuôi vạn lý, Mẹ con Đậu Đũa, Tôi vào đời, Cha và con, Sóng gió cuộc đời, Ký sự pháp đình... |
Hóa ra mấy năm nay chạy sô dữ dội nhưng trái tim Công Ninh cũng đập theo những cánh màn nhung. Thật sự anh cũng thử làm “ông bầu” đầu tư cho vở Cõi tình và Sống thử cùng với cô đào Mỹ Uyên, và đã thành công. Nhưng các vở đó cũng chưa “đã tay” cho lắm, anh còn khao khát cái gì đó lớn hơn nữa. Anh nói: “Tôi chấp nhận một vở nghệ thuật sẽ không ăn khách. Dĩ nhiên cũng không đến nỗi quá ế, vì như vậy là thất bại. Nhưng ở đời không thể muốn tất cả, được cái này sẽ mất cái kia, miễn sao mình thỏa máu nghề là được”.
Biết chấp nhận, giỏi chịu đựng, đó là “chất” của Công Ninh. Bởi thế Công Ninh ít khi tranh cãi, cự nự, cái gì cũng muốn cho qua, dĩ hòa vi quý. Anh nói: “Tôi không sợ người ta, nhưng nhịn để bớt đi những phiền phức không đáng. Tâm sức mình để dành vô chuyện ích lợi hơn là “đấu” nhau. Nhưng khi đã quá sức chịu đựng thì tôi “đấu” tới cùng, không lùi bước”. Nhưng liệu cái tính chịu đựng ấy có làm anh trở nên “tròn trịa” trong khi sáng tạo? “Không đâu, khi dàn dựng thì tôi lại thích liều. Chính vì vậy mà tôi thích 5B vì chỉ ở đây mới cho phép người ta được liều, không bị áp lực quá cao về doanh thu như sân khấu tư nhân”.
...và cầu toàn
Sự nghiệp thành đạt nhưng điều mất mát lớn nhất của Công Ninh là không giữ được mối tình hơn 10 năm với diễn viên N.T. Anh thú thật là hồi trẻ mình thích sống độc thân nên không vội cưới, chừng muốn cưới thì N.T lại chần chừ, cuối cùng chia tay nhau. Và anh cũng thú thật là mình không lãng mạn, không biết màu mè, chỉ biết yêu theo kiểu một người anh, một người cha sẵn sàng bảo bọc cô gái bé nhỏ của mình trong sự yên ổn, vững vàng. Có lẽ vì anh vẫn cứ thô mộc, xuề xòa như thế, cho nên phụ nữ thất vọng. Ngược lại, anh cũng thất vọng vì thấy đa số phụ nữ luôn muốn sở hữu một người đàn ông theo kiểu “quản lý toàn bộ” mà không dành cho họ một khoảng trời riêng cho nghề nghiệp, bạn bè...
Bây giờ anh đang đi tìm một nửa của mình, nhưng lòng vẫn lo. Song điều rõ nhất bây giờ là anh đang... thèm con khi tóc đã muối tiêu. Anh trầm ngâm: “Có con thì mình mới có mục tiêu phấn đấu, chứ bây giờ làm lụng trối chết không biết để sự sản lại cho ai, cứ hoang mang như người không định hướng”. Tôi bảo: “Thế thì anh đừng cầu toàn trong hôn nhân nữa. Người phụ nữ nào hơi vừa ý thì anh chọn đi, chứ tìm mãi cũng không ra người toàn vẹn đâu!”. Công Ninh gật đầu: “Đúng là tôi quá cầu toàn. Thôi thì thử làm theo lời chị. Và cũng rút kinh nghiệm vừa qua, dù không thích hoa hòe hoa sói nhưng tôi phải biết bày tỏ cảm xúc, biết lãng mạn một tí. Nói chung, trân trọng từng giây phút bên nhau, đó là “sống thiền” phải không chị?”.
Hoàng Kim
Bình luận (0)