Công Phượng vẫn là “hàng độc”
Chưa bàn về sự chênh lệch về trình độ, các vị trí trên hàng công đội tuyển Việt Nam lúc này đều đang có sự cạnh tranh, kế thừa giữa những cầu thủ có phong cách thi đấu khá tương đồng nhau. Riêng Công Phượng có thể xem là ngoại lệ.
Ở vị trí tiền đạo cắm, sau Nguyễn Tiến Linh còn có Nguyễn Văn Tùng, Nhâm Mạnh Dũng. Bên biên trái, Phạm Tuấn Hải, Phan Văn Đức sẽ thay nhau thi đấu. Cánh đối diện, Bùi Vĩ Hào sẵn sàng khỏa lấp khoảng trống của Nguyễn Văn Toàn.
Điểm ra để thấy vào lúc này chỉ ra một cái tên có phong cách thi đấu tương tự Công Phượng e là rất khó. Cựu tiền đạo HAGL vẫn sở hữu những phẩm chất dị biệt, có khả năng tạo ra đột biến từ các tình huống đi bóng, dứt điểm đầy bất ngờ.
Anh có thể không phải là sự lựa chọn số một để đá chính cho đội tuyển Việt Nam nhưng luôn tạo ra giá trị riêng ở một số thời điểm, thế trận nhất định. Vì lẽ đó, HLV Philippe Troussier từng sang Nhật Bản để xem Công Phượng thi đấu, gọi tiền đạo này lên đội tuyển Việt Nam để đánh giá phong độ.
Kể từ tháng 9.2023, cầu thủ quê Nghệ An không còn được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam, từ thời ông Troussier cho đến Kim Sang-sik. Với lý do rất rõ ràng: không thể trao đặc cách khi Công Phượng không ra sân, thậm chí không có tên trong danh sách đăng ký của CLB.
Để rồi mỗi khi đội bóng gặp bế tắc, không ít người nhắc đến cái tên Công Phượng kèm lời cảm thán: “Giá như Công Phượng được thi đấu thường xuyên để duy trì phong độ và có mặt ở đội tuyển Việt Nam lúc này!”.
Thực tế, màn trình diễn của Công Phượng trong lần gần nhất khoác áo đội tuyển Việt Nam không đến nỗi tồi, bất chấp anh trải qua khoảng thời gian dài không được thi đấu tại J-League 2.
Trước đội tuyển Palestine, anh có pha chạy chỗ thông minh và lốp bóng tinh tế ghi bàn. Cảm giác bóng, cảm quan không gian vẫn còn đó. Vấn đề của Công Phượng là không đủ thể lực để thi đấu dưới một cường độ cao mà thôi. Điều đó có thể khắc phục!
Bình luận (0)