Lọt lòng mẹ, tôi là một đứa trẻ khuyết tật. Tôi tập tễnh bước đi trên đôi chân dị tật bẩm sinh, xương sống bị dẹp nên không thể ngồi xổm, cũng không thể làm việc nặng. Tuổi thơ của tôi là những câu chuyện buồn. Bạn bè đồng trang lứa được vui đùa, còn tôi phải ngồi một chỗ. Đến trường học, tôi bị bạn bè trêu chọc…
Tôi lớn lên trong mặc cảm và thăm thẳm nỗi buồn, nỗi lo lắng khi nghĩ mình sẽ là gánh nặng cho gia đình. Thế nhưng, trong "họa" lại có phúc. Những lời trêu chọc của bạn bè đã thành động lực để tôi cố gắng vươn lên. Tôi tìm đọc những cuốn sách, bài báo viết về những tấm gương giàu nghị lực và họ đã truyền cho tôi cảm hứng mãnh liệt: Mình phải học và đi lên bằng đôi chân không lành lặn của mình, để không phải là "người thừa" trong xã hội.
Tôi làm nhiều nghề, nhưng số phận lại đưa tôi đến với nghề dạy học cho trẻ bị rối loạn phát triển (tự kỷ, tăng động, chậm phát triển…). Công việc không hề đơn giản, nhất là với một chàng trai, mà lại khuyết tật như tôi. Tôi phải đóng vai trò vừa làm bố vừa làm mẹ: đút cho các con ăn, thực hiện các phương pháp hỗ trợ con cải thiện việc ăn uống... Trách nhiệm của tôi là phải bước vào thế giới của các con bằng sự chịu khó, tỉ mẩn và tình yêu thương.
Năm 2010, hình ảnh những đứa trẻ nghèo khó ở vùng cao Nghệ An không áo mặc, những khuôn mặt nhem nhuốc đến trường bằng đôi chân trần khiến tôi rất thương. Tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó và đã mạnh dạn đứng ra lập nhóm hoạt động xã hội mang tên "Thanh niên vì cộng đồng Nghệ An 37" rồi kêu gọi hàng trăm bạn sinh viên, thanh niên tham gia. Nhóm đã lan tỏa rất nhanh và không lâu sau có đến hơn 300 thành viên tham gia. Chúng tôi bàn nhau lập tổ đi bán hoa, trái cây, bánh gai để gây quỹ. Nguồn thu không lớn nhưng rất ý nghĩa. Để có nguồn kinh phí lớn hơn, chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ để mua nhu yếu phẩm mang đến vùng cao tặng cho trẻ em và người dân ở đó.
Thời điểm đó, ở nhiều xã vùng cao, biên giới Nghệ An, đường đi là đường đất, quanh co dốc. Với người bình thường, đi bộ ở những nơi này là một thử thách, nhưng với một người khuyết tật như tôi thì thực sự vô cùng gian nan. Nhìn những ánh mắt vừa lạ lẫm, vừa rất vui của những đứa trẻ nghèo khó ở đây khi được nhận quà đã khiến tôi xóa tan mọi sự mệt nhọc và thử thách…
Đó cũng là niềm hạnh phúc với tôi. Những nụ cười, niềm vui của người nghèo, người yếu thế được nhận quà là động lực để tôi và các thành viên của nhóm thiện nguyện chúng tôi tiếp tục thực hiện những chuyến thiện nguyện tiếp theo. Trên nẻo đường thiện nguyện, có những hoàn cảnh tôi gặp đã giúp tôi hiểu thêm về giá trị của cuộc sống và tình người. Tôi nhận ra rằng dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, chỉ cần có tình yêu thương và sự đồng cảm, chúng ta đều có thể vượt qua.
14 năm làm công tác xã hội giúp tôi có những phương hướng và kết nối với nhiều người cùng chung chí hướng. Tôi được gặp gỡ và học hỏi ở rất nhiều người, từ các đồng nghiệp, tình nguyện viên cho đến những người được giúp đỡ. Mỗi người đều mang đến cho tôi những giá trị, giúp tôi hoàn thiện bản thân và công việc của mình. Công việc thiện nguyện đã giúp tôi phá bỏ được mọi rào cản trong cuộc sống, là động lực để mình vươn lên. Giá trị của công tác xã hội không chỉ lan tỏa tình yêu thương mà còn là sự kết nối rất tuyệt vời giữa những con người, những số phận lại với nhau.
Bình luận (0)