Khi nhà vua cưới vợ
Đám cưới vừa qua của nhà vua 31 tuổi Jigme Khesar Namgyel Wangchuck với cô sinh viên thường dân 21 tuổi Jetsun Pema khiến cả thế giới một lần nữa dõi mắt về đất nước Bhutan nhỏ bé, nằm lọt thỏm giữa 2 ông khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ như một lát chả mỏng tang giữa ổ bánh mì béo mẫm. Vua Wangchuck là nguyên thủ quốc gia Bhuttan, nhưng không một vị lãnh đạo tai to mặt lớn nào trên thế giới được mời, cũng không một ông hoàng, bà chúa nào có mặt trong lễ cưới. Chẳng có những cỗ xe ngựa xa hoa, những bữa tiệc hoành tráng, những chiếc áo cưới lộng lẫy… Những thứ đó không làm người Bhutan hạnh phúc hơn! Lễ cưới được thực hiện hoàn toàn theo nghi thức truyền thống được lưu giữ bao đời nay ở đất nước chỉ có 700.000 dân này. Chiếc vương miện mà nhà vua đội lên đầu nàng Pema e lệ để phong cô gái 21 tuổi lên làm hoàng hậu không dát vàng hay gắn kim cương mà là một vương miện bằng vải.
|
Việc vị vua trẻ trung mê bắn cung, bóng rổ và nhạc Elvis cưới vợ sẽ góp phần lớn lao để thay đổi tập tục đa thê tồn tại bao đời nay ở Bhutan. Trái với thái thượng hoàng Jigme Singye Wangchuck từng cưới tới 4 vợ (đều là chị hoặc em gái của nhau), sau đó phong hoàng hậu cho cả bốn, vị vua hiện đại từng tốt nghiệp Đại học Oxford danh tiếng ở Anh tuyên bố chỉ lấy một vợ mà thôi. Cũng xin nói thêm, Jigme Singye Wangchuck đã thoái vị, nhường ngôi cho con trai vào năm 1998, khi Jigme Khesar Namgyel Wangchuck mới 26 tuổi, khiến vị vua này trở thành nguyên thủ quốc gia trẻ nhất thế giới.
Thiên đường không quảng cáo
Cho tới ngày nay, Bhutan vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới xem hạnh phúc là kim chỉ nam cho mọi chính sách của chính phủ. Cứ mỗi 2 năm một lần, quốc gia chỉ có diện tích nhỉnh hơn 38.000 km2 này thực hiện một cuộc thăm dò dư luận với những câu hỏi đại loại như: Nếu tính điểm hạnh phúc từ 0 đến 10, anh tự cho mình bao nhiêu điểm? Anh ngủ bao nhiêu giờ/ngày? Anh ăn có thấy ngon miệng không? Anh đánh giá thế nào về chính phủ?... Từ cuộc thăm dò đó, chính phủ phải xem lại các chính sách của mình nhằm tăng cường mức độ hài lòng của người dân. Trước khi ra bất kỳ một quyết định nào, các lãnh đạo phải trả lời được câu hỏi chính sách đó có làm cho cuộc sống người dân hạnh phúc hơn hay không. Và kết quả là chính sách của Bhutan rất khác với những quốc gia khác, có thể bị người ngoài xem là quái gở, chẳng hạn như không quảng cáo. Ngay cả ở thủ đô Thimpu sầm uất nhất, không một bảng hiệu Coke hay Pepsi nào tồn tại bên vệ đường. Người dân Bhutan vẫn tự hào đất nước của họ là một thiên đường dưới hạ giới như vùng đất hư cấu huyền bí Shangri-La trong tiểu thuyết Chân trời đã mất của nhà văn Anh James Hilton. Và ở cái thiên đường đó không có quảng cáo.
Hàng thế kỷ liền, đất nước chưa từng bị chiếm làm thuộc địa này tự cô lập mình với thế giới bên ngoài, tìm mọi cách cưỡng lại sức hút ghê gớm của toàn cầu hóa. Tivi chỉ mới được giới thiệu vào năm 1999, tuy nhiên những kênh như đấu vật hay MTV bị cấm tiệt, với nhận định chúng không có lợi cho hạnh phúc quốc gia. Thuốc lá là hàng quốc cấm, lý do cũng rất đơn giản: nó làm người ta bớt hạnh phúc. Trong công thức hạnh phúc của Bhutan, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là một cột trụ vững chắc, trong đó cấm hoàn toàn bao nylon. Ngoài ra, sự phát triển các giá trị vật chất luôn được tính toán để hài hòa với các yếu tố tinh thần, bản sắc văn hóa được xem trọng và chất lượng lãnh đạo của nhà cầm quyền luôn bị soi kỹ. Mãi cho đến thập niên 60 của thế kỷ trước, những con đường đầu tiên ở Bhutan mới được xây dựng. Khi chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện, người ta còn sợ hãi tưởng đó là con rồng ăn lửa! Nằm giữa những ngọn núi cao chót vót với những thung lũng đẹp đến nghẹt thở, cùng lúc sở hữu một nền văn hóa cổ xưa còn lưu giữ nguyên vẹn, Bhutan có sức quyến rũ lạ kỳ với du khách nước ngoài. Trong khi tất cả mọi quốc gia trên thế giới này đều tìm mọi cách thu hút khách du lịch để thu tiền thì Bhutan lại tìm mọi cách hạn chế nó để thu… hạnh phúc. Khách nước ngoài chỉ có thể du lịch đến Bhutan rất hạn chế: đi theo đoàn dưới sự giám sát chặt chẽ của quan chức chính phủ Bhutan, đến những địa điểm được định trước. Du lịch ba lô ư? Xin mời anh đi chỗ khác! Mỗi du khách còn phải đóng thuế 200 USD cho mỗi ngày ở Bhutan. Và có lẽ Thimpu cũng là thủ đô duy nhất trên thế giới này không có đèn xanh đèn đỏ.
Hạnh phúc hay giàu có?
Các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng, trong khi GDP của Mỹ tăng gấp đôi kể từ năm 1974 đến nay, sự gia tăng mức độ người dân hài lòng với cuộc sống bằng con số 0. Dù cả thế giới này vẫn cứ đang tìm mọi cách để tăng GDP bất chấp mọi hậu quả, ngày càng có nhiều tiếng nói hơn về việc đặt nặng sự hài lòng, hạnh phúc của con người. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từng ra một nghị quyết không bắt buộc, vốn do Bhutan khởi xướng, trong đó xem hạnh phúc "là một chỉ số về phát triển". Năm 2009, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đề nghị thay thế GDP bằng một chỉ số mới chú trọng vào sự hài lòng của mọi người, chất lượng dịch vụ công và số lượng dịch vụ miễn phí trong xã hội. Hồi năm ngoái, Thủ tướng Anh David Cameron cũng từng tuyên bố về việc xây dựng cái gọi là chỉ số hạnh phúc, cho rằng dù vẫn cần phải tiếp tục đo lường GDP nhưng chỉ GDP thôi thì không đủ để đánh giá sự đi lên của một đất nước. Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cùng với một số nhân vật có uy tín như chủ nhân giải thưởng Nobel người Ấn Độ Amartya Sen cũng ủng hộ cho chỉ số phát triển con người - vốn bao gồm tuổi thọ, giáo dục và điều kiện sống.
Quay lại với Bhutan, còn lâu đất nước này mới là thiên đường dưới hạ giới như hình ảnh quảng cáo của chính phủ, với không thiếu những vấn đề như sự bất mãn của cộng đồng thiểu số dẫn đến các bất ổn về an ninh, sự bất bình đẳng giới… Cùng lúc, đất nước nhỏ bé này cũng đứng trước những thách thức to lớn với sự cho phép của internet, việc cho phép dân chủ với quyết định của hoàng gia chuyển từ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến... Tuy nhiên, việc du học sinh Bhutan trở về quê hương với tỷ lệ rất cao dù lương bổng ở quê nhà thấp bèo là một bằng chứng rõ ràng về sự hài lòng, hạnh phúc của họ với chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia độc đáo.
Công thức hạnh phúc của người Anh Chính phủ Anh từng tiến hành một cuộc nghiên cứu sâu rộng về "ngành khoa học hạnh phúc", sau đó đưa ra một công thức hạnh phúc, nhắm tới việc mang lại cảm giác hài lòng cho người dân chứ không chỉ nâng cao đời sống vật chất của họ. Nếu theo công thức này, chính sách sẽ phải thay đổi theo một số hướng như sau: - Một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến người ta dù giàu hơn trước đó vẫn không thấy hạnh phúc là vì họ so sánh với những người giàu hơn họ. Rút ngắn khoảng cách giàu nghèo là điều cần làm, trong đó tăng thuế của người giàu là một giải pháp. - Cấm quảng cáo, bởi quảng cáo thường xuyên khiến cho người ta có cảm giác họ thiếu thốn. Quảng cáo nhắm vào trẻ em càng phải cấm triệt để, chẳng hạn như quảng cáo thức ăn nhanh. - Bớt thời gian vận chuyển để đi làm. Càng phải ngồi xe bus, tàu điện nhiều, thời gian để người ta liên hệ và tin tưởng vào người thân, bạn bè càng giảm sút, khiến con người ta giảm hạnh phúc. Chính phủ cần có các sáng kiến thúc đẩy các mối quan hệ xã hội và khuyến khích mọi người đi làm gần nhà. - Khuyến khích hôn nhân. "Ngành khoa học hạnh phúc" cho thấy, hôn nhân mang lại cảm giác hài lòng, thỏa mãn và tăng tuổi thọ của con người. - Định hình lại chính sách y tế. Các cuộc nghiên cứu gợi ý rằng cảm giác hạnh phúc có lợi cho sức khỏe còn hơn cả việc tập thể dục, ăn kiêng và các chiến dịch chống thuốc lá cộng lại. Giúp cho người ta hạnh phúc sẽ ngăn chặn được bệnh tật ngay từ đầu, vì thế cần phải nghĩ tới những chuyên gia y tế mới chuyên ngành hạnh phúc, chuyên giúp mọi người loại bỏ các ý nghĩ bi quan. Đoan Nhật |
Kiều Oanh
Bình luận (0)