Công thức lấy công bù thủ của ông Troussier

17/04/2023 08:36 GMT+7

Nếu hai kỳ SEA Games gần nhất, thầy trò HLV Park Hang-seo đoạt HCV môn bóng đá nam bằng hàng phòng ngự thép, thì HLV Philippe Troussier đang xây dựng công thức khác cho U.22 Việt Nam tại SEA Games 32 tới.


THẾ HỆ MỚI CỦA HLV TROUSSIER

Triều đại 5 năm hoàng kim của HLV Park Hang-seo gắn liền với triết lý bóng đá dựa trên hàng phòng ngự nhiều tầng chặt chẽ, tinh thần không bỏ cuộc với những pha phản công chớp nhoáng.

Đặc biệt ở hai kỳ SEA Games liên tiếp tại Philippines và Việt Nam, ông Park đã đem về hai tấm HCV lịch sử cho Việt Nam với sức mạnh được xây chắc từ hàng thủ. Trên đất Philippines năm 2019, U.22 Việt Nam đã vô địch chỉ với 4 bàn thua sau 7 trận đấu, riêng hai trận bán kết và chung kết thầy trò ông Park giữ sạch lưới. Năm 2022 ở kỳ SEA Games 31 trên sân nhà, ông Park đạt đỉnh cao phòng ngự khi U.22 Việt Nam bảo vệ thành công tấm HCV mà không phải nhận bàn thua nào. Năm 2019, U.22 Việt Nam có Tấn Tài, Tấn Sinh, Thành Chung, Đức Chiến, Văn Hậu…, còn SEA Games 31 là cặp trung vệ Thanh Bình, Việt Anh đơn giản là không thể bị đánh bại.

Công thức lấy công bù thủ của ông Troussier - Ảnh 1.

U.22 VN dưới thời HLV Troussier phải linh động thích ứng với nhiều lối chơi

VFF

Nhưng khi tiếp quản các đội tuyển quốc gia nam Việt Nam từ tay ông Park, HLV Troussier cũng phải chấp nhận thừa hưởng thế hệ cầu thủ mới khác hẳn. Trong bóng đá, muốn xây dựng lối chơi phải nhìn vào con người. Nhìn vào danh sách đội tuyển U.22 Việt Nam tập trung ở Vũng Tàu đợt cuối trước khi sang Campuchia dự SEA Games 32, có thể thấy điểm đáng lo nhất vẫn là hàng thủ có chiều cao dưới 1,8 m và lại ít kinh nghiệm thi đấu. Tuy nhiên, lứa cầu thủ trẻ này sở hữu rất nhiều cái tên giàu tiềm năng ở tuyến trên. 

Những vòng đấu vừa qua, ông Troussier chứng kiến hàng loạt tài năng U.22 Việt Nam tỏa sáng tại V-League như Quốc Việt (HAGL), Vĩ Hào (Bình Dương), Xuân Tiến (SLNA)… Đó là chưa kể hàng loạt cái tên ra sân đều đặn như Văn Cường (SLNA), Duy Cương, Đình Duy (Đà Nẵng), Tuấn Tài, Văn Khang (Viettel), Ngọc Thắng (Hà Tĩnh), Đức Việt (HAGL)… Điều này sẽ quyết định cách HLV Troussier xây dựng công thức cho U.22 Việt Nam.

HLV Philippe Troussier và tham vọng vượt qua thành công của ông Park Hang-seo

KIỂM SOÁT BÓNG CHỦ ĐỘNG

Khác HLV Park Hang-seo, ông Troussier không tập trung dài hạn 1 tháng rưỡi trước giải đấu lớn, mà gom quân những đợt ngắn ngày nhưng đều đặn. Theo cách xây dựng lực lượng này, chiến lược gia người Pháp sẵn sàng linh động danh sách triệu tập, vì đá giao hữu với U.22 Việt Nam và ra sân ở V-League đều có ý nghĩa ngang nhau.

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận định: "Rõ ràng SEA Games 32 là thách thức cho U.22 Việt Nam, khi đối thủ có lực lượng tốt như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và kể cả chủ nhà Campuchia. Ở hai kỳ SEA Games trước, chúng ta vô địch nhờ bổ sung cầu thủ đội tuyển quốc gia để dẫn dắt lối chơi và giữ lửa hàng công. SEA Games năm nay không cho bổ sung cầu thủ quá tuổi sẽ giảm thiểu sự tính toán cho U.22 Việt Nam".

Mặc dù vậy, ông Xương rất lạc quan: "Lực lượng của U.22 Việt Nam cơ bản rất tiềm năng. Tuy nhiên hạn chế lớn nhất của lứa này là có quá ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Đặc biệt, từng tuyến đều thiếu thủ lĩnh. Do đó có thể nói U.22 Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức khi đến với SEA Games 32. Tuy nhiên, lịch thi đấu gặp các đối thủ từ yếu đến mạnh sẽ là thuận lợi cho U.22 Việt Nam. Bài toán bây giờ với HLV Troussier là xác định công thức chơi và đội hình chính tại Campuchia. Về mặt lý thuyết nếu 3 trận đầu thắng Lào, Singapore và Malaysia sẽ cho phép U.22 Việt Nam tính toán trận cuối gặp Thái Lan. Quan trọng nhất, như đã nói chúng ta phải xác định đội hình chính và công thức chơi khi có đầy đủ lực lượng hay nhất từ các CLB V-League. Đó sẽ là lực lượng nòng cốt cho U.22 Việt Nam.

Tôi cho rằng dù khó khăn nhưng U.22 Việt Nam sẽ góp mặt ở bán kết. Khác biệt so với hai kỳ SEA Games của ông Park thiên về phòng ngự chắc chắn, U.22 Việt Nam bây giờ sẽ phải linh động thích ứng với nhiều lối chơi. Bóng đá Việt Nam đã lên cao nhờ triết lý phòng ngự bản lĩnh và phản công sắc bén. Thực ra, phòng ngự phản công sẽ vẫn là một triết lý quan trọng cho U.22 Việt Nam, có khác ông Troussier muốn chủ động chơi áp đặt tìm bàn thắng, từ đó triển khai thế trận phản công nhanh. Quan trọng là chất lượng cầu thủ có đáp ứng yêu cầu và có làm được ngay không. Phải thẳng thắn thừa nhận lứa này không bằng hai kỳ SEA Games trước về chất lượng và cả kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Họ cũng thiếu những thủ lĩnh trên các tuyến. Nhưng ngược lại, họ có sự đồng đều và những cá nhân có thể cùng nhau tạo nhịp gây đột biến cho hàng công".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.