Thời gian qua, nhiều hộ dân sống ở các tuyến đường trên địa bàn TP.Kon Tum (Kon Tum) phản ánh: Trong quá trình triển khai dự án chỉnh trang đô thị, các nhà thầu không tuân thủ các biện pháp an toàn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện TP.Kon Tum đang thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo vỉa hè, hệ thống thoát nước trên 5 tuyến đường. Dự án có tổng mức đầu tư trên 400 tỉ đồng và được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Kon Tum làm chủ đầu tư. Trong đó, đường Phan Chu Trinh, đường Ure, đường Ngô Quyền có tổng mức đầu tư là 185 tỉ đồng, đường Nguyễn Huệ có mức đầu tư hơn 97 tỉ đồng, đường Lê Hồng Phong trên 119 tỉ đồng.
Trong quá trình thi công trên các tuyến đường, theo phản ánh của người dân, nhiều nắp cống không được che đậy, không giăng dây và nhiều nơi không cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Điều này gây mất an toàn cho người tham gia giao thông và những hộ dân sinh sống tại các khu vực thi công.
Ông Đỗ Văn Trung (trú tại đường Ure, TP.Kon Tum) cho hay, việc các nhà thầu thi công đường nhưng không che chắn các hố sâu, không cắm biển cảnh báo. Lo lắng nhất là trẻ em chạy nhảy có thể lọt xuống các hố ga chưa được đậy nắp, nhất là vào ban đêm, khi ánh sáng yếu, không thể nhìn thấy các hố sâu nên tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
"Dự án làm cả mấy tháng trời khiến tuyến đường bụi bặm vào mùa khô, nhếch nhác vào mùa mưa. Đã vậy, nhiều nắp cống bị hở tạo thành những hố sâu. Mong các đơn vị sớm đẩy nhanh thi công và thực hiện cắm biển, giăng dây cảnh báo để tránh xảy ra tai nạn", ông Trung nói.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 5.7, nhiều hố ga thu nước trên các tuyến đường Ure, Nguyễn Huệ, Phan Chu Trinh không được che đậy. Nhiều hố ở vị trí sát đường và vỉa hè gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là vào ban đêm. Điều đáng nói, trên vỉa hè, các hố sâu không được che chắn, cắm biển, giăng dây cảnh báo gây nguy hiểm cho người đi bộ, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, đơn vị thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các nhà thầu thi công đến đâu phải gọn đến đó, sớm hoàn trả mặt bằng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống sinh hoạt và buôn bán của các hộ gia đình. Đồng thời, cơ quan này cũng yêu cầu các nhà thầu triển khai rào chắn, đặt biển báo thi công, biển báo an toàn lao động, có nhân công điều tiết giao thông, đèn cảnh báo….
"Trong trường hợp xảy ra tai nạn tại các khu vực đang thi công sẽ tùy theo từng tính chất, mức độ để xử lý theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp cùng nhà thầu giám sát, thi công để xử lý, khắc phục hậu quả", vị đại diện chủ đầu tư cho biết thêm.
Bình luận (0)