Các nhà khoa học trẻ Việt Nam vừa thiết kế thành công hệ thống giám sát giao thông thông minh. Không chỉ góp phần giảm ùn tắc và tai nạn, đề tài nghiên cứu này còn tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng.
|
Công nghệ Việt Nam
Ứng dụng hệ thống giám sát giao thông thông minh (ITS) không còn là vấn đề mới trên thế giới. Tại Việt Nam, mặc dù bài toán giao thông luôn là vấn đề nan giải, song ITS vẫn chưa được đưa vào ứng dụng. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm Việt Nam thiệt hại 30.000 tỉ đồng do ùn tắc giao thông. Riêng Hà Nội và TP.HCM, tổng thiệt hại lên tới gần 19.000 tỉ đồng.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, các nhà khoa học trẻ Trung tâm tin học và tính toán đã nghiên cứu đảm nhận đề tài cấp nhà nước “Xây dựng cấu trúc hệ thống giao thông thông minh và các quy chuẩn công nghệ thông tin, truyền thông, điều khiển áp dụng trong hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam” và dự án “Xây dựng mạng camera với hệ thống xử lý hình ảnh thông minh phục vụ điều khiển giao thông và giám sát an ninh”. Mục đích của đề tài hướng tới làm chủ tất cả công nghệ ITS ở Việt Nam nhưng chất lượng tốt, không phải lấy công nghệ từ nước ngoài với giá cao.
Theo tiến sĩ Tạ Tuấn Anh - Phó giám đốc trung tâm, Chủ nhiệm đề tài, ITS là sản phẩm tích hợp đa công nghệ cao từ tính toán nhúng, tự động hóa đến truyền thông, siêu tính toán, từ thiết kế cơ khí, điện tử, quang học, ánh sáng, nhiệt độ môi trường đến nối kết mạng lưới… Từ trước đến nay từ hạ tầng kỹ thuật đến ứng dụng, tất cả phải phụ thuộc vào nhà tư vấn. “Giá các nhà thầu nước ngoài bán cho Việt Nam rất cao, tính cho mỗi km đường cần tới hơn 2 triệu USD (1.110 tỉ đồng cho đoạn 40 km TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) và thời gian thực hiện lên đến 3 năm. Điều này nảy sinh bất lợi, tính đa dạng trong công nghệ và cách thức triển khai trong ITS có thể dẫn đến không có khả năng tương hợp giữa các hệ thống trong các dự án khác nhau để cùng phối hợp tạo thành một hệ thống ITS quốc gia. Hơn nữa, điều này cũng gây khó khăn cho quá trình duy trì và vận hành hệ thống sau này”, anh Tuấn cho biết.
|
Lợi thế sức trẻ
Đề tài ITS quy tụ toàn nhà khoa học trẻ, người nhiều tuổi nhất và là chủ nhiệm tuổi chưa đến 40. Với lợi thế sức trẻ, nắm bắt nhanh nhạy các công nghệ tiên tiến trên thế giới nên chỉ sau một năm thực hiện, các nhà khoa học đã đưa hệ thống vận hành thử trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và đã nghiệm thu thành công vào đầu năm 2014.
Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu sử dụng hệ thống giám sát bằng thiết bị nước ngoài, cứ 2 km cần đầu tư 2 camera giá 1 tỉ đồng. Một đoạn đường cao tốc 50 km, chỉ riêng camera giá lên đến 50 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng thiết bị trong nước, giá thành chỉ 100 triệu đồng/chiếc. So sánh ITS đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với các hệ thống do nước ngoài đề xuất thực hiện tại các dự án như: đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, mức đầu tư trong nước giảm 5 lần.
Sau khi đề tài được nghiệm thu, mong muốn của các nhà khoa học là hệ thống ITS sẽ sớm ưu tiên áp dụng triển khai ở Việt Nam, trước mắt là trên các tuyến đường cao tốc. Tiếp đó, ứng dụng vào kiểm soát giao thông, kiểm soát xe tải nặng, hỗ trợ đỗ xe, giám sát hành trình… giải quyết các bài toán nổi cộm của giao thông Việt Nam.
Thu Hằng
>> Xây dựng hệ thống camera giám sát giao thông
>> Hà Nội sẽ lắp camera ở 200 nút giao để giám sát giao thông
>> Thiết bị giám sát giao thông
>> Cần nhân rộng việc giám sát giao thông qua hình ảnh
>> Mỹ dùng máy ghi hình giám sát giao thông
Bình luận (0)