Công trình tỉ đô, có gì phải sợ?

03/11/2014 15:30 GMT+7

Tôi lấy làm tiếc vì mỗi lần Chính phủ trình dự án có vốn đầu tư lớn, tính bằng tỉ đô la Mỹ thì lại xuất hiện nhiều ý kiến. Vì sao lại phải như thế?

 


Phối cảnh sân bay Long Thành - Ảnh: ACV

Tôi nghĩ, với vai trò điều hành nền kinh tế quốc gia thì tất nhiên Chính phủ đã có tính toán cụ thể mỗi khi đưa ra quyết định đầu tư những công trình, dự án có tính đột phá, cần có cho chiến lược phát triển.

Tôi thật sự mừng thầm khi vào thời điểm năm 2010 Chính phủ đề xuất thực hiện dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Lý do mừng của tôi cũng “vi mô” thôi. Đó là con đường từ Sài Gòn nơi tôi đang sống trở về quê ở Huế sẽ rút ngắn được thời gian rất đáng kể. Bao năm đi tàu Thống Nhất, tôi thật sự ngán ngẩm khi phải vật vờ trên tàu 1 ngày 1 đêm mới về được quê.

Với đoạn đường dài khoảng 1.000 km từ Sài Gòn ra Huế, nếu có đường sắt cao tốc với tốc độ chạy 250 km/giờ thì thời gian đi chỉ mất 4 tiếng đồng hồ. Lợi ích kinh tế về mặt xã hội có thể thấy là vô cùng lớn và rất rõ ràng. Những người có quê ở các tỉnh, thành phía Bắc cũng sẽ hình dung được lợi ích, sự sung sướng của đường sắt cao tốc khi nó hiện hữu trên thực tế. Tiếc là cho đến nay Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư cũng chỉ vì lo ngại kinh phí xây dựng được cho là quá lớn, khoảng 60 tỉ đô la Mỹ.

Thời điểm năm 2010, có ý kiến cho rằng việc bác dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là một quyết định lịch sử. Suy nghĩ của tôi thì khác. Tôi nghĩ sẽ là một chuyện mang tính lịch sử khi chúng ta quyết định đầu tư ngay dự án này.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, cá nhân tôi thấy số tiền đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam chẳng có gì là quá lớn cả. 60 tỉ đô la Mỹ, theo lộ trình đầu tư 20 năm của Chính phủ, thì bình quân mỗi năm chỉ phải bỏ ra 3 tỉ đô la Mỹ. Nhìn vào thực tế Việt Nam hiện tại, chỉ riêng việc uống bia thôi cũng đã tiêu thụ 3 tỉ lít bia mỗi năm, tương đương giá trị 3 tỉ đô la Mỹ rồi. Cho nên, nếu đặt ra bài toán kinh tế, chúng ta có thể kỳ vọng được về một đáp án khả thi. 

Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được đặt ra với tổng kinh phí đầu tư hơn 18 tỉ đô la Mỹ cũng có nhiều ý kiến. 

Chúng ta giải phóng, thống nhất đất nước đã gần 40 năm. Thiết nghĩ cũng cần phải có những công trình thật sự lớn. Những công trình mang tầm vóc thế kỷ không chỉ để cho oai, mà thực ra đó là cơ hội cho người dân được quyền sung sướng, được thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Chưa kể đó cũng là cơ hội rộng mở cho đất nước vươn ra được biển lớn trong thời kỳ hội nhập.

Nếu như chúng ta cứ chờ cho đến lúc đất nước giàu lên, phát triển mạnh hơn nữa mới làm nhiều công trình tỉ đô, thì bây giờ lấy gì làm đòn bẩy cho sự phát triển và rất có thể nhiều cơ hội lớn sẽ bị vuột mất. Tại sao chúng ta không dám, hoặc không nghĩ được cách khả thi để làm ngay từ bây giờ, bất kể là đang trong điều kiện khó khăn, để tạo nền tảng, tạo cơ hội có thể nhìn thấy được cho sự phát triển?

Tôi vẫn hay tự hỏi rằng đất nước mình có giàu không? Về điều kiện khách quan, tôi nghĩ đất nước mình giàu thiệt. Dường như tài nguyên thiên nhiên không thiếu món gì. Chúng ta có một cửa ngõ rộng lớn ngút ngàn là biển Đông, có dân số 90 triệu người mà phần lớn là trẻ trung, giàu sức lao động…

Nhưng nghĩ về điều kiện chủ quan thì đúng là chúng ta đang “nghèo” thiệt. Cái nghèo đó có lẽ xuất phát từ chính cách làm chưa thật sự hiệu quả của chúng ta, nên đã không phát huy những cái giàu được gọi là tiềm năng.

Điều dễ nhận thấy nhất là chúng ta đã vay hàng chục tỉ đô la Mỹ, dành hơn 98% cho đầu tư phát triển nhưng hiệu quả mang lại không đủ để trả nợ vay. Ngân sách vẫn phải bội chi gần vượt ngưỡng an toàn, và để “cầm cự”, chúng ta lại phải đi vay để đảo nợ.

Tôi nghĩ, rất may là các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra được nguyên do khiến chúng ta cứ mãi loay hoay trong vòng vây nợ công: nền kinh tế chạy trên “đường ray cũ” với 3 cái hao rất bất lợi là hao vốn, hao ngoại tệ và hao tài nguyên môi trường. Các địa phương luôn mắc một “bệnh thèm”: thèm ngân sách để xây lên những trụ sở công vụ hoành tráng. Tham nhũng, lãng phí cả trong chi thường xuyên lẫn chi phát triển…

Tôi nghĩ có lẽ vì những “điều kiện chủ quan” ấy cứ tồn tại dai dẳng nên làm chúng ta luôn sợ những công trình tỉ đô, mà thực ra cũng chẳng có gì đáng phải sợ cả!

Đình Nguyên (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân TP.HCM

>> Gần 56 tỉ USD xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam
>> Nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào thời điểm thích hợp
>> Dự án sân bay Long Thành để chậm sẽ lỡ cơ hội phát triển
>> Dự án sân bay Long Thành cần thiết nhưng chưa cấp thiết
>> Bộ trưởng Đinh La Thăng: Dự án sân bay Long Thành đưa ra lúc này không có lợi
>> Làm rõ hiệu quả, nguồn vốn xây dựng sân bay Long Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.