Công trình xanh là xu hướng tất yếu

15/10/2022 06:19 GMT+7

Tại sự kiện Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm 2022 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 14.10 tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng công trình xanh, cuộc sống xanh sẽ là xu hướng tất yếu.

Lợi ích lâu dài

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation, cho biết công trình xanh là phương tiện để Phuc Khang Corporation làm ra những sản phẩm tốt, đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thế giới, lan tỏa tinh thần sống xanh cho mọi người và đóng góp vào chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng đến sự phát triển bền vững chung của đất nước.

Chính vì thế, trong hành trình phát triển bền vững của mình, Phuc Khang Corporation đã sớm lựa chọn con đường phát triển các sản phẩm xanh theo chuẩn mực quốc tế tại thị trường VN. Lấy dự án thực chứng là công trình xanh tiêu biểu Diamond Lotus Riverside (Q.8, TP.HCM), bà Lưu Thị Thanh Mẫu cho biết chất lượng không khí, tiện nghi ánh sáng, thông gió tự nhiên, tiện nghi nhìn được quan tâm ngay từ giai đoạn thiết kế và kiểm soát tốt trong giai đoạn vận hành. Ngoài ra, công trình đóng góp vào sự đa dạng sinh học của đô thị thông qua việc bảo tồn hệ thống cây xanh và phát triển mới, làm trù phú hơn hệ sinh thái ven sông.

Thêm vào đó, Diamond Lotus Riverside không những gắn kết giữa con người với thiên nhiên diễn ra tại ban công cây xanh, cảnh quan giữa các tòa nhà và công viên ven sông mà còn gắn kết giữa con người với con người nhằm tạo nên cộng đồng xanh và bền vững. Cụ thể, Diamond Lotus Riverside được xây dựng theo cấp độ vàng ở hai tiêu chuẩn LEED của Hội đồng công trình xanh Mỹ và LOTUS của Hội đồng công trình xanh VN. Dự án này đã ghi nhận được các chỉ số khả quan về tiết kiệm năng lượng điện - nước.

Các đại biểu tham quan dự án Diamond Lotus Riverside, đây là một trong số các dự án xanh đầu tiên được xây dựng

ĐÌNH SƠN

Tại sự kiện các chuyên gia cho rằng, các công trình xanh sẽ tiết kiệm cho chủ đầu tư từ 20 - 40% chi phí vận hành mỗi tháng nhờ thiết kế thông minh, quy trình vận hành được tính toán kỹ. Nhờ vậy, công trình xanh của chung cư còn giúp người sử dụng tiết kiệm nhiều chi phí sinh hoạt từ điện, nước tới các dịch vụ công cộng khác và giúp chủ đầu tư kinh doanh tốt hơn.

Điển hình như câu chuyện một chủ đầu tư dự án công trình xanh ở Hưng Yên chỉ trong vòng 8 ngày đã bán được gần hết 2.000 căn hộ dù mức giá tương đương với giá bán căn hộ ở Hà Nội. Vì muốn được “sống xanh” hòa mình vào thiên nhiên, muốn sống trong một căn hộ chan hòa nắng, gió, tiết kiệm năng lượng nên nhiều người đã lựa chọn dự án này thay vì mua căn hộ ở Hà Nội đầy nắng và bụi.

Có thể nói, việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển công trình xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản. Tuy nhiên, do việc xây dựng dự án theo chuẩn xanh sẽ làm đội giá lên từ 10 - 20% nên thực tế tại VN hiện nay đa số các giải pháp công trình xanh mới chỉ được áp dụng tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp. Nơi khách hàng sẵn sàng chi trả cao hơn để có được chất lượng sống tốt hơn, trong lành hơn.

Thách thức lớn

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, đã kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng. Về phát triển công trình xanh, qua hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh của VN hiện mới đạt trên 230 công trình. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nói công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, là xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở VN, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào giữa những năm 2000. Công trình xanh là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.

Việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh cũng đã được quy định trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15 về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, hiện VN chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0. Đó là thách thức lớn khi cái đích năm 2050 chỉ còn hơn 27 năm. Vì thế, Tuần lễ công trình xanh VN 2022 có sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và các lĩnh vực khác có liên quan như năng lượng và môi trường được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xu hướng này mạnh mẽ hơn.

“Tuần lễ công trình xanh VN năm 2022 sẽ trở thành sự kiện được tổ chức thường niên của Bộ Xây dựng nhằm tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của các bên liên quan và thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh, đô thị xanh. Tiến tới các công trình, dự án đô thị phát thải thấp, phát thải ròng bằng 0. Thể hiện nỗ lực và đóng góp thiết thực của ngành xây dựng vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của đất nước”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hùng, trước những thách thức toàn cầu về sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, phương tiện giao thông, tiêu dùng... xu hướng phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng đã và đang là một trong những ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới.

Với những lợi ích mang lại từ việc sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả nên sẽ ưu tiên sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu có mức phát thải thấp và các thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao trong công trình xây dựng. Đảng, Nhà nước, Chính phủ VN đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực công trình xây dựng. Đây là xu hướng không thể trì hoãn mà phải thúc đẩy nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ VN đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đến năm 2050 VN sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0. Với mục tiêu giảm phát thải hơn 74 triệu tấn CO2 trong 3 lĩnh vực là sản xuất vật liệu xây dựng, tòa nhà và quá trình công nghiệp, Bộ Xây dựng coi việc phát triển công trình xanh là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu giảm phát thải trong lĩnh vực xây dựng. Mặc dù có nhiều tiêu chuẩn, hệ thống đánh giá chứng nhận khác nhau nhưng về cơ bản công trình xanh là công trình hội đủ các yếu tố về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo tiện nghi, sức khỏe cho người sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.