Tờ Inquirer ngày 26.10 cho biết công ty nạo vét CCCC Dredging, thuộc tập đoàn quốc doanh Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC), đã ký hợp đồng với công ty Mega Habour Port and Development của Philippines để bồi đắp 208 hecta đất tại cảng biển ở thành phố Davao (Philippines).
CCCC Dredging sẽ bồi đắp một khoảng đất dài 8 km dọc bờ biển ở vịnh Davao. Các đảo nhân tạo này sẽ được dùng để đặt trụ sở chính quyền, doanh nghiệp, xây nhà dân, bến cảng, theo Nhân dân Nhật báo.
Hợp đồng được ký vào hôm 20.10 tại bữa tiệc chiêu đãi các doanh nghiệp Trung Quốc-Philippines, có sự tham dự của Tổng thống Rodrigo Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc, theo South China Morning Post. Dự án dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2019.
tin liên quan
Trung Quốc sắp đưa tàu nạo vét lớn xuống bồi đắp đảo ở Biển Đông?Báo chí Trung Quốc vừa qua rầm rộ đưa tin công ty Hà Lan Royal IHC vừa bàn giao cho Công ty nạo vét Quảng Đông CCC (GDC) tàu hút bùn đất cùng nước bằng hệ thống ống (TSHD) được cho là sẽ hoạt động ở Biển Đông.
CCCC Dredging là công ty nạo vét lớn nhất thế giới và từng có ý định cổ phần hoá tại sàn chứng khoán Hồng Kông vào năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch này bị hoãn lại vì công ty chịu nhiều nghi ngờ về việc tham gia vào hoạt động bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tờ Wall Street Journal hồi tháng 11.2015 đưa ra các hình ảnh chụp vệ tinh của chuyên trang quốc phòng IHS Jane's tố cáo tàu của CCCC Dredging có mặt tại những hòn đảo nhân tạo phi pháp trên.
Trong những bức ảnh, một sà lan lớn của công ty Tianjin Dredging, công ty hoàn toàn thuộc sở hữu của CCCC Dredging đang hút cát từ đáy biển để bồi đắp tại đá Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập một cách trái phép. Sà lan này được nhìn thấy xuất hiện trong khu vực từ ngày 14.1 đến ngày 16.2.2015.
Nằm trong danh sách trừng phạt của World Bank
SCMP dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Philippines cho biết, trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của ông Duterte, hai nước đã ký hàng loạt hợp đồng làm ăn trị giá khoảng 13,5 tỉ USD. Hợp đồng bồi đắp đảo nhân tạo của CCCC Dredging chỉ là một trong số đó.
|
Một hợp đồng lớn khác được nêu ra là dự án xây dựng tuyến tàu điện giữa công ty cầu đường Trung Quốc (CRBC) và công ty uỷ quyền phát triển và chuyển đổi (BCDA) của Philippines. Theo Inquirer, công ty CRBC đã bị Ngân hàng Thế giới (World Bank) cấm tham gia mọi dự án do tổ chức này tài trợ hoặc thực hiện từ năm 2009.
Nguyên do là CRBC từng bị phanh phui cấu kết với nhiều công ty địa phương và quốc tế để tranh thầu cho giai đoạn 1 của chương trình quản lý và cải thiện đường bộ quốc gia Philippines.
tin liên quan
Trung Quốc 'mắc nghẹn' ở MyanmarTrong bài bình luận độc quyền cho Thanh Niên, học giả Brahma Chellaney phân tích nỗ lực của Myanmar không cho Trung Quốc xây đập Myitsone.
Bên cạnh đó, CRBC cũng giống như CCCC Dredging, là công ty con của tập đoàn CCCC. Tập đoàn này bị World Bank trừng phạt vào năm 2011 sau những hoạt động gian lận của CRBC. Tất cả các công ty trực tiếp hoặc gián tiếp do CCCC sở hữu đều bị cấm tham gia các dự án cầu đường của World Bank tài trợ hoặc thực hiện, theo tổ chức này thông báo.
Lệnh trừng phạt đối với CCCC và các công ty con sẽ được giữ nguyên cho đến tháng 1.2017. Trong khi đó, hầu hết các công ty con của CCCC lại nhận được những hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng béo bở tại Philippines.
Theo Inquirer, những người chỉ trích thường nhắm vào việc CCCC và các công ty con bị nằm trong danh sách cấm của World Bank; đồng thời đặt nghi vấn làm sao các công ty này lại có được những hợp đồng với chính quyền Philippines.
Bình luận (0)