Công ty chứng khoán biến tướng huy động vốn

02/04/2021 06:19 GMT+7

Hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi... là những sản phẩm vừa được một số công ty chứng khoán áp dụng, nhưng bản chất đều là huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân.

Huy động vốn lãi suất cao

Chị Hồng Ân (Q.1, TP.HCM) cho biết vừa tất toán 1 sổ tiết kiệm 300 triệu đồng để gửi tiền vào một công ty chứng khoán (CTCK) có dịch vụ gửi tiền, do lãi suất (LS) cao hơn ngân hàng. Cụ thể, chị gửi kỳ hạn 6 tháng nhận được LS lên gần 6,5%/năm, trong khi ngân hàng chị hay gửi tiền chỉ trả LS 5,7%/năm. “Nếu gửi kỳ hạn 12 tháng thì LS lên đến gần 7,5% trong khi ở ngân hàng chỉ 6%/năm. Mình nghĩ chuyển sang gửi tiền CTCK kỳ hạn ngắn chắc cũng không có rủi ro gì để có thêm tiền lãi”, chị Hồng Ân chia sẻ.
Dịch vụ huy động vốn của một số CTCK mới được áp dụng từ đầu năm 2021. Trong tuần qua, khi đến văn phòng CTCK VnDirect, người viết được nhân viên tư vấn về dịch vụ tiết kiệm tiền gửi (DMONEY) tương đương như tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Kỳ hạn gửi tiền được công bố linh hoạt, từ 1 tuần, 2 tuần lên đến 9 tháng, 12 tháng. Ví dụ, LS đang được VnDirect cam kết trả cho nhà đầu tư (NĐT) kỳ hạn 30 ngày là 5%/năm; nếu kỳ hạn 3 tháng sẽ lên 5,5%/năm… Tương tự, tại CTCK MBS, dịch vụ này có tên gọi “Hợp tác kinh doanh chứng khoán (CK)” áp dụng cho cá nhân lẫn tổ chức. Nhân viên CTCK MB (MBS) tư vấn LS của kỳ hạn 30 ngày là 4,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 5,3%, 6 tháng là 6,2%/năm và cao nhất 12 tháng lên 7,3%/năm. Nhân viên tư vấn của cả hai công ty trên đều nhấn mạnh rằng dịch vụ này chủ yếu dành cho những NĐT gửi kỳ hạn ngắn sẽ có lợi nhiều nhất. Hơn nữa, các dịch vụ đó cũng không hạn chế số tiền của NĐT tham gia. Chỉ cần mở tài khoản giao dịch CK của VnDirect hay MBS thì dịch vụ đã được tích hợp sẵn trong phần mềm giao dịch online, bên cạnh các dịch vụ khác như cho vay ký quỹ (margin), ứng trước tiền bán CK... NĐT không cần phải làm thủ tục gì thêm.
Ở chiều ngược lại, dịch vụ cho vay margin của 2 công ty đang dao động từ 9,5% - 12,5%/năm tùy cổ phiếu và thời gian vay, số tiền vay. Như vậy chỉ làm một phép tính đơn giản, nếu CTCK vay từ NĐT số tiền kỳ hạn 3 tháng có LS là 5,5%/năm và chuyển sang cho vay margin với LS bình quân khoảng 10%/năm thì biên lợi nhuận đạt được 4,4%/năm, cao hơn rất nhiều biên lợi nhuận mà các ngân hàng hiện nay đang có được trong nghiệp vụ cơ bản này. Trên thực tế, hầu hết NĐT CK chỉ vay margin có thời hạn ngắn từ 15 ngày - 30 ngày và hiếm khi NĐT nào để quá 3 tháng. Chưa kể số vốn trên còn được CTCK quay vòng nhanh hơn và số lợi nhuận thu được từ đó cũng sẽ nhiều hơn…

Ẩn chứa rủi ro cho hệ thống tài chính

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhấn mạnh: Đây là những hình thức biến tướng cho việc huy động vốn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước. Bởi theo luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, việc huy động vốn ngắn hạn từ cá nhân chỉ các ngân hàng mới được phép thực hiện. Ngay cả quỹ tín dụng nhân dân cũng bị hạn chế chỉ được phép nhận tiền gửi của thành viên hoặc từ các đối tượng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Luật Chứng khoán 2019 cũng quy định rõ các CTCK chỉ được phép thực hiện 4 dịch vụ gồm môi giới CK, tự doanh CK, bảo lãnh phát hành CK và tư vấn đầu tư CK. Đồng thời, CTCK phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của mình, không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch CK của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại hay các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật...
Các NĐT cũng nên cẩn thận bởi nếu gửi tiết kiệm vào ngân hàng thì đây là định chế tài chính lớn, có nhiều quy định khắt khe để đảm bảo an toàn và có Ngân hàng Nhà nước giám sát, quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, với việc hợp tác đầu tư hay gửi tiền vào các đơn vị không được phép thì rủi ro rất cao.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính
Cụ thể hơn, Thông tư 121 của Bộ Tài chính quy định về hoạt động của CTCK nêu rõ, trừ trường hợp quy định hoạt động cho vay margin, CTCK không được cho vay tiền, CK dưới mọi hình thức. Việc CTCK tự huy động tiền gửi của cá nhân ẩn chứa nhiều rủi ro cho cả NĐT lẫn an toàn của hệ thống tài chính. TS Lê Đạt Chí đặt vấn đề: Với một nghiệp vụ không được phép, vậy CTCK sẽ hạch toán số tiền trả lãi cho NĐT như thế nào? Liệu có phải đây là số tiền hạch toán riêng ngoài báo cáo tài chính? Điều này càng không minh bạch và khiến hoạt động của các CTCK khó kiểm soát, gây méo mó cho hệ thống. “Nghiệp vụ huy động tiền gửi để cho vay chỉ được cấp phép cho các ngân hàng thực hiện và đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các ngân hàng tuân thủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt xoay quanh tỷ lệ an toàn vốn, trích lập dự phòng, gửi tiền bảo hiểm... Điều này nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Bản thân các CTCK khi hoạt động cũng là ngành nghề có điều kiện và phải tuân thủ nhiều quy định cụ thể. Như vậy, với trách nhiệm quản lý trực tiếp thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải thanh kiểm tra và yêu cầu các CTCK chấm dứt ngay dịch vụ này để tránh những rủi ro phát sinh”, TS Lê Đạt Chí nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích, các CTCK đang huy động tiền gửi từ các cá nhân là vi phạm quy định về tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Nếu là hình thức hợp tác đầu tư thì sẽ không cam kết trả LS cố định vì có thể bị thua lỗ. Trong khi đó, thị trường CK vốn là nơi có biến động rất lớn. Trường hợp CTCK bị thua lỗ thì người gửi tiền có thể không nhận được tiền lãi hay thậm chí khả năng mất khả năng thanh toán thì số tiền gốc có trả lại hay không? Từ đó, rủi ro cho cả hệ thống tài chính do phản ứng dây chuyền và hệ lụy là khó lường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.