Lượng tiền cho vay margin của nhiều công ty chứng khoán trong thời điểm cuối năm 2024 tăng mạnh. Chẳng hạn, Công ty chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán VCI) công bố doanh thu hoạt động cả năm 2024 đạt 3.696 tỉ đồng, bằng gấp rưỡi thực hiện trong 2023 và lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.100 tỉ đồng, tăng 90% so với năm 2023. Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) cuối năm đạt 11.103 tỉ đồng, tăng gần 46% so với số đầu năm 2024. Đây cũng là con số dư nợ margin kỷ lục của công ty.
Công ty chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2024 và cả năm 2024. Theo đó, TCBS đạt lợi nhuận trước thuế hơn 4.802 tỉ đồng, tăng 59% so với năm 2023, vượt 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Dư nợ cho vay margin của TCBS tại cuối năm 2024 đạt gần 26.000 tỉ đồng, gấp hơn 1,5 lần so với thời điểm đầu năm 2024.
Một đơn vị khác là Công ty chứng khoán VPS công bố cả năm 2024 đạt lợi nhuận trước thuế 3.156,6 tỉ đồng, tăng 278,6% so với năm 2023. Giá trị cho vay margin của VPS đến cuối năm là 12.209 tỉ đồng. Đây là mức cho vay lớn nhất của công ty kể từ khi hoạt động.
Công ty chứng khoán SSI báo cáo lũy kế cả năm vừa qua công ty mẹ đạt tổng doanh thu 8.201 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.352 tỉ đồng, tăng 24%. Tính đến cuối năm 2024, dư nợ cho vay margin tại SSI đạt hơn 21.800 tỉ đồng, tăng 48,6% so với số đầu năm.
Thậm chí, Công ty chứng khoán Kafi công bố kết quả kinh doanh quý 4/2024 với doanh thu 340 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Theo Kafi, doanh thu tăng đến từ việc mở rộng quy mô kinh doanh, đầu tư tài chính sau các đợt tăng vốn trong ba năm qua. Kết quả cả năm 2024, Kafi ghi nhận lãi trước thuế 256,6 tỉ đồng và đây là con số lợi nhuận kỷ lục của Kafi. Trong đó, số dư nợ cho vay margin đến hết năm 2024 đạt hơn 5.322,8 tỉ đồng, gấp 5 lần so với số dư cho vay chỉ hơn 1.000 tỉ đồng vào đầu năm 2024...
Tiền cho vay chảy vào đâu?
Con số dư nợ cho vay margin tại hàng loạt công ty chứng khoán tăng cao trong khi giao dịch trên thị trường lại liên tục đi xuống. Như vậy dòng tiền cho vay của các công ty chứng khoán đi về đâu? Trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán tại TP.HCM lý giải: Ở nhiều công ty chứng khoán, những khoản cho vay margin nhiều thường tập trung vào một số khách hàng VIP hay các lãnh đạo doanh nghiệp - vốn là những cá nhân có sở hữu lượng lớn cổ phiếu. Vào những thời điểm thị trường chứng khoán sôi động, các cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp cũng tham gia mua bán, "lướt sóng" liên tục nên sử dụng margin cao. Điều đó cũng góp phần giúp thanh khoản nhiều cổ phiếu gia tăng.
Tuy nhiên, trong quý 4/2024 đến nay, thanh khoản trên thị trường xuống thấp, nhiều cổ phiếu giao dịch èo uột. Thế nhưng lượng tiền cho vay margin của nhiều công ty chứng khoán vẫn tăng mạnh so với số đầu năm thì có thể phần nhiều số tiền đó được rút ra khỏi thị trường. Những cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp cầm cố cổ phiếu để vay tiền ở các công ty chứng khoán nhưng không để trong tài khoản chứng khoán mà sử dụng cho hoạt động khác.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cũng thừa nhận, nhiều khách hàng VIP có sử dụng margin nhưng không giao dịch chứng khoán như nhà đầu tư cá nhân. Bởi việc cho vay margin ở các công ty dù lãi suất cao hơn vay ngân hàng nhưng thủ tục đơn giản hơn. Đó là chưa kể nhiều khách hàng VIP cũng được hưởng lãi suất ưu đãi nên vay qua cầm cố cổ phiếu là nhanh nhất. Ông nhận định: Trước đây, không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp mà chính các công ty niêm yết cũng "lướt sóng" nhiều. Nay do cận Tết Nguyên đán, giao dịch xuống thấp và hơn nữa trong năm qua nhiều công ty cũng bị thua lỗ do đầu tư chứng khoán nên dòng tiền lớn đứng ngoài thị trường. Dù vậy nguồn tiền vay margin vẫn từ các công ty chứng khoán vẫn không trả lại mà có thể sử dụng cho những hoạt động kinh doanh khác bên ngoài sàn chứng khoán.
Bình luận (0)