Công ty Đ.G từng thất hẹn trao 500 triệu đồng cho đội tuyển nữ Việt Nam

15/01/2020 13:41 GMT+7

Không chuyển khoản, hẹn đến đội bóng đá nữ trao tiền vào ngày 10.1.2020 nhưng lãnh đạo công ty Đ.G đã không đến, chỉ đến khi phải nhận làn sóng chỉ trích dữ dội, công ty này mới xuống đội nữ vào ngày 13.1 với ý định trao tiền mặt nhưng đội đã không nhận.

VFF đi 'đòi' tiền thưởng giúp U.22 Việt Nam

Báo Thanh Niên vừa có những bài viết liên quan đến tiền thưởng của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và đội U.22 quốc gia sau SEA Games 30. Nếu như các cô gái vàng đã được nhận gần như đầy đủ số tiền thưởng thì đến ngày hôm nay (15.1), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ phải làm những động thái để tiếp tục thúc giục các doanh nghiệp gửi nốt về về cho đội nam.

Số tiền thưởng mà đội U.22 Việt Nam được nhận từ các nguồn khác nhau với thành tích giành HC Vàng SEA Games 30, cụ thể là 20,2 tỉ đồng. Ngày 14.1, đội nhận được thêm 300 triệu đồng từ một công ty tại TP.HCM, nâng tổng số tiền thưởng đã được chuyển về đội là 14,4 tỉ đồng. Như vậy còn thiếu 5,8 tỉ đồng.

Sáng ngày 15.1, một quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết: “Tất cả những đơn vị hứa thưởng, chúng tôi đều yêu cầu có văn bản để VFF tiện thống kê cũng như là sự chứng thực họ có cam kết thưởng. Chúng tôi sẽ rà soát lại để xem doanh nghiệp nào chưa chuyển tiền theo đúng văn bản đã cam kết và tiếp tục giục họ. Có lẽ là dịp sát Tết Nguyên đán nên các doanh nghiệp còn bận nhiều việc nên chưa thể chuyển được. Chúng tôi cũng mong muốn từ nay đến tết, đội được nhận đầy đủ số tiền”.

Đội bóng đá nữ không có tư cách pháp nhân để lập tài khoản riêng
Về chuyện từ chối khoản 500 triệu đồng từ Công ty Đ.G của đội tuyển nữ, một thành viên của Ban huấn luyện đã chia sẻ thêm vào ngày 15.1 rằng, ngày 16.12.2019, cùng với nhiều đơn vị khác, dưới sự chứng kiến của VFF, lãnh đạo công ty trao bảng tặng tiền tại trụ sở VFF và các cầu thủ đều cảm thấy phấn khởi. Vì đội nữ không có tư cách pháp nhân để thành lập tài khoản riêng cho đội nên sau khi được sự cho phép của VFF cũng như BHL, đội đã cung cấp số tài khoản của một thành viên của đội cho công ty Đ.G.

Cô gái mang đến bàn thắng quý giá cho đội nữ Việt Nam ở trận chung kết SEA Games 30 - Phạm Hải Yến

Ảnh: Độc Lập

Trao đổi với Báo Thanh Niên, một luật sư cho biết: “Khi không có tư cách pháp nhân thì đội nữ không có con dấu riêng và cũng không được phép lập tài khoản. Đó là quy định của pháp luật. Nhưng pháp luật cho phép đội bóng đá nữ được chỉ định và ủy quyền cho bất kỳ cá nhân nào trong đội được nhận khoản tiền từ ngoài chuyển vào. Sự ủy quyền này được thống nhất và bàn bạc trong đội. Sau đó cá nhân đó phải có trách nhiệm chuyển lại tiền cho đội. Ngày trao bảng tiền là ngày 16.12.2019, sau khi được cung cấp số tài khoản cá nhân của một thành viên trong đội, công ty Đ.G hoàn toàn đủ thời gian để thẩm định cá nhân đó có phải là người của đội nữ hay không”.

Được biết, vì không muốn chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của một thành viên trong đội nên lãnh đạo công ty muốn chuyển qua tài khoản VFF. Tuy nhiên, công ty cũng không chuyển. Được biết, lãnh đạo công ty hẹn ngày 10.1.2020 xuống đội (tập huấn tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam – Hà Nội) để trao tiền mặt nhưng cũng không xuống. Chưa hết, công ty còn xóa cả bài công ty tặng tiền cho đội nữ trên trang website của mình. Chỉ đến khi bị làn sóng chỉ trích dữ đội, sáng ngày 13.1, lãnh đạo công ty mới mang tiền xuống nhưng đội nữ đã khước từ.    

Xin được nhắc lại, gần một tháng qua, các doanh nghiệp đã chuyển hết tiền, bằng các kênh sau đây: Trao trực tiếp bằng tiền mặt cho đội, thông qua Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC), chuyển qua tài khoản của một trợ lý BHL hoặc qua tài khoản của VFF. Sau đó, tiền đã được trao lại cho đội, không hể có tình trạng bị ỉm đi. Sáng ngày 15.1, VFF khẳng định, đội nữ nhận được 23,5 tỉ đồng trên tổng số 24 tỉ được cam kết sẽ thưởng. 500 triệu còn thiếu là từ Đ.G mà đội nữ đã từ chối.

Đội đã chia thưởng vài đợt với danh sách bình bầu được cân nhắc, bàn bạc rất kỹ giữa BHL và Ban Cán sự đội tuyển. Tiền thưởng không hề bị thất thoát và khớp với những con số được đăng tải công khai, minh bạch trên website của VFF. 

Ngày 13.1, báo vtc.vn có bài viết: “Đừng dùng tiền mặc cả với lòng tự trọng và danh dự Đội tuyển Quốc gia”. Xin trích đoạn bài báo: “Lý lẽ của công ty là muốn biết khoản tiền thưởng chảy về túi của ai, bởi "Tôi là người cho tiền, tôi có quyền quyết định". Tuy nhiên, doanh nghiệp này phải hiểu rằng, danh sách chia thưởng cho từng cá nhân vốn là thông tin nhạy cảm, chỉ được công bố trong nội bộ. Việc lương thưởng ở cơ quan đôi khi còn là bí mật với bên ngoài, không phải thích là công bố được, vì nó ảnh hưởng đến nhiều cá nhân.

 

Có doanh nghiệp nào công bố cho bên ngoài danh sách thưởng đâu. Đúng là danh sách chia thưởng cần minh bạch, nhưng là minh bạch trong nội bộ tổ chức, chứ không phải với công ty.

Khi anh thưởng tiền với danh nghĩa cho tổ chức, anh phải tin tưởng họ chia đúng với quyền lợi của từng cá nhân. Còn nếu không tin, anh có thể thưởng cho từng cá nhân, không ai cấm. Thế nhưng ngay từ đầu, Công ty Đức Giang chọn đưa bảng thưởng và tự PR là thưởng tiền cho ĐTQG, chứ không phải riêng cầu thủ nào.

Nếu đã không tin, anh còn thưởng làm gì? Hay tự PR tên tuổi cho mình xong rồi... thôi, đến khi không được đáp ứng yêu cầu là "giận dỗi", xoá luôn bài viết thưởng tiền cho tuyển nữ trên trang nội bộ công ty”.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.