Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị xác định lại thiệt hại vụ Tất Thành Cang

14/10/2022 20:11 GMT+7

Theo luật sư của Công ty Quốc Cường Gia Lai , cơ quan tiến hành tố tụng đang có một số hiểu lầm trong cách xác định thiệt hại của vụ án.

Chiều 14.10, luật sư bảo vệ cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bắt đầu tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thành ủy TP.HCM) và 9 đồng phạm do hành vi sai phạm bán rẻ cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 2 dự án Khu dân cư – KDC Phước Kiển (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) và khu dân cư Ven Sông (P.Tân Phong, Q.7), gây thiệt hại của nhà nước hơn 735 tỉ đồng.

Bị cáo Tất Thành Cang

NHẬT THỊNH

Bảo vệ quyền lợi cho cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, luật sư Đào Quang Diệu (Đoàn luật sư TP.HCM) trình bày Công ty Quốc Cường Gia Lai là bên ngay tình khi tham gia các giao dịch trên. Vì vậy, phía công ty cũng đưa ra một số vấn đề nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan.

Ông Tất Thành Cang bật khóc khi bào chữa vụ bán rẻ đất đai

Xác định thiệt hại chưa chính xác?

Về dự án KDC Phước Kiển, theo luật sư, cáo trạng xác định thiệt hại là hơn 202 tỉ đồng là không chính xác, và chưa xét yếu tố tăng giá.

Bởi, năm 2017, Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng chuyển nhượng với giá hơn 419 tỉ đồng. Ngày 9.2.2018, giữa các bên ký phụ lục hợp đồng thống nhất điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng thêm hơn 155 tỉ đồng. Như vậy tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng 32 ha Phước Kiểng là hơn 574 tỉ đồng. So với giá trị dự án do Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng hình sự kết luận là hơn 621 tỉ đồng, thì thiệt hại thực tế chỉ là hơn 47 tỉ đồng.

Khu dự án Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM

ĐỘC LẬP

Ngoài ra, đối với dự án trên, khi được yêu cầu hủy bỏ chuyển nhượng, Công ty Tân Thuận đề nghị trả cho Công ty Quốc Cường Gia Lai hơn 21 tỉ đồng lãi, nhằm giảm thiệt hại do Công ty Tân Thuận chiếm giữ tiền thanh toán thời gian dài.

Theo luật sư, nội dung thỏa thuận này không trái pháp luật, bởi lỗi dẫn đến hợp đồng không thực hiện được là do bên chuyển nhượng – Công ty Tân Thuận, một pháp nhân theo quy định pháp luật nên phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả của việc hủy bỏ giao dịch.

Hơn nữa, tiền sinh lợi và sinh lãi cho công ty Tân Thuận, Văn phòng Thành ủy là xuất phát từ nguồn tiền công ty Quốc Cường Gia Lai thanh toán không phải từ nguồn vốn nhà nước. Đặc biệt ngay tại phiên tòa, đại diện công ty Tân Thuận lúc đó là bị cáo Trần Công Thiện xác nhận trước HĐXX, đã dùng 70 tỉ đồng trong số tiền thanh toán của Công ty Quốc Cường Gia Lai đầu tư kinh doanh từ giữa năm 2017 đến giữa năm 2018 thu lợi về hơn 21 tỉ đồng, chưa tính số tiền Tân Thuận dùng tiền thanh toán của Quốc Cường đi gửi tiết kiệm; hơn 21 tỉ đồng lãi suất các bên thỏa thuận cũng không phải là phương tiện, công cụ phạm tội hay là chứng cứ chứng minh tội phạm nên không thể xem là vật chứng để thu hồi.

Sẵn sàng đóng tiền chênh lệch giá tăng

Đối với dự án KDC Ven Sông, theo luật sư, cáo trạng xác định thiệt hại là hơn 532 tỉ đồng trên định giá toàn bộ diện tích (21.894 m2) là không đúng với thực tế. Bởi, trong toàn bộ giá trị dự án và diện tích trên, Công ty Tân Thuận chỉ chiếm 55%, còn Công ty Quốc Cường Gia Lai vốn đã chiếm hữu 45% tổng vốn dự án - mua lại từ Công ty Hoàng Anh Gia Lai.

Sau đó, Công ty Tân Thuận chỉ chuyển nhượng 45% vốn trong 55% vốn tại dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai; còn 10% vốn còn lại của Công ty Tân Thuận thực chất không phải là chuyển nhượng mà hoán đổi thành phẩm 1.578 m2 sàn căn hộ.

Trong phần nêu quan điểm, VKS đề nghị HĐXX thu hồi hơn 9.900 m2 giao cho Công ty Tân Thuận

NHẬT THỊNH

Vì vậy, luật sư Đào Quang Diệu đề nghị HĐXX xem xét xác định lại giá trị thiệt hại của dự án KDC Ven Sông này. Không thể tính thiệt hại của 45% mà Công ty Quốc Cường Gia Lai mua của Công ty Hoàng Anh Gia Lai, cũng như 10% mà Công ty Tân Thuận đang giữ lại để nhận thành phẩm.

Mặt khác, theo luật sư, chưa kể quá trình thực hiện đầu tư xây dựng dự án, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã chi và sẽ chi hơn 63 tỉ đồng, mà đáng lẽ Công ty Tân Thuận phải có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện.

Từ cơ sở trên, luật sư cho rằng thực tế Công ty Quốc Cường Gia Lai khi thực hiện các giao dịch trên với công ty Tân Thuận tính đến nay không có gây thiệt hại đối với Công ty Tân Thuận nói riêng và nhà nước nói chung. Vì vậy, Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị HĐXX công nhận cho Công ty tiếp nhận phần đất còn lại hơn 9.900 m2, sau khi Công ty Quốc Cường Gia Lai đã thanh toán đủ 45% vốn như thỏa thuận, để tiếp tục hoàn thành dự án và các công trình tiện ích kết nối cho cư dân tại dự án.

Bên cạnh đó, luật sư nêu Công ty Quốc Cường Gia Lai sẵn sàng đóng tiền chênh lệch giá tăng theo định giá của Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng hình sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.