Bỏ túi lợi nhuận ngàn tỉ
Điển hình như Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - công bố 9 tháng năm 2022 đạt doanh thu thuần 126.717 tỉ đồng, tăng 90% và lợi nhuận sau thuế hơn 12.899 tỉ đồng, tăng 223% so với cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch cả năm 2022 đề ra là tổng doanh thu 91.678 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.295 tỉ đồng thì chỉ sau 9 tháng, BSR đã có lãi gấp 10 lần kế hoạch cả năm.
Giá xăng dầu tăng cao từ đầu năm đến nay giúp nhiều doanh nghiệp dầu, khí cán đích lợi nhuận cả năm 2022 |
Nhật Thịnh |
Trên thực tế, chỉ trong nửa đầu năm 2022, công ty này đã vượt kế hoạch cả năm nhờ giá dầu thô tăng cao, từ mức bình quân 74,1 USD/thùng của tháng 12.2021 nhảy vọt lên 123,7 USD/thùng trong tháng 6.2022. Tương tự, Tổng công ty dầu VN (PV OIL) báo cáo doanh thu 9 tháng đạt hơn 79.617 tỉ đồng, cao hơn gấp đôi của cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 431,3 tỉ đồng. Như vậy, chỉ cần 9 tháng, PV OIL cũng đã cán đích lợi nhuận kế hoạch cả năm.
Đại biểu Quốc hội chất vấn Thanh tra Chính Phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương về tình hình khan hiếm xăng dầu |
Hay Tổng công ty khí VN - CTCP (GAS) trong 9 tháng đạt doanh thu 78.671,6 tỉ đồng, tăng 34% và lợi nhuận sau thuế 11.726 tỉ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Đầu năm, GAS đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 80.043 tỉ đồng và lãi sau thuế 7.039 tỉ đồng. Như vậy, hiện GAS đã vượt mức cao so với kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022.
Còn Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) dù không công bố chi tiết doanh thu và lợi nhuận nhưng lãnh đạo tập đoàn này cho hay 9 tháng năm 2022, tập đoàn đã nộp ngân sách 90.600 tỉ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2022 và tăng 45% so với cùng kỳ (vượt kế hoạch năm 2022 trước 6 tháng). PVN cũng đã về đích các chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn tập đoàn…
Bên cạnh các công ty xăng dầu kéo nhau về đích lợi nhuận cả năm, một vài đơn vị khác cũng có kết quả ấn tượng như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) công bố lũy kế 9 tháng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 4.822 tỉ đồng, tăng 72% so với 9 tháng đầu năm 2021. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ngân hàng đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 4.800 tỉ đồng, tăng 32% so với năm 2021.
Như vậy, chỉ sau 9 tháng, LienVietPostBank đã vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm. Tương tự, Công ty CP nhựa Bình Minh đạt doanh thu thuần sau 9 tháng hơn 4.400 tỉ đồng, tăng 40% so với 9 tháng năm 2021. Bất chấp hàng loạt chi phí gia tăng như chi phí tài chính tăng 40,6%, chi phí bán hàng tăng 95%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 70,4% thì công ty vẫn có lãi sau thuế gần 448 tỉ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch đưa ra đầu năm với doanh thu 5.680 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 448 tỉ đồng, dù chưa đạt kế hoạch về doanh thu nhưng hiện Nhựa Bình Minh đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm…
Sẽ gặp khó trong năm sau
Mặc dù có những doanh nghiệp (DN) đã cán đích kế hoạch lợi nhuận cho cả năm nhưng đây không phải là trường hợp phổ biến. Đa số chỉ tập trung ở lĩnh vực xăng dầu với kế hoạch kinh doanh năm 2022 được xây dựng từ cuối năm trước trên cơ sở giá dầu thô ở mức thấp hơn rất nhiều so với thực tế của năm 2022. Chính vì vậy, giá dầu tăng đột biến khiến mức lợi nhuận của các công ty này nhảy vọt, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2022.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định ngành xăng dầu hoạt động với lợi nhuận định mức tính theo doanh thu. Khi giá xăng dầu bình quân đã tăng cao hơn 30% thì đẩy doanh thu đi lên và lợi nhuận cũng tăng tương ứng. Vì vậy các DN xăng dầu, khí… đã về đích lợi nhuận cả năm không gây ngạc nhiên. Còn với các ngân hàng có lãi trong 9 tháng năm 2022 lên cao cũng nhờ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay tăng mạnh. Nhiều nhà băng đã đạt gần mức lãi của cả năm trước. Dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng có thể đến báo cáo cả năm 2022, nhiều ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn khi nhiều đơn vị đã có số nợ xấu gia tăng.
“Tình hình kinh tế đang chậm lại và trong quý 4 càng khó khăn hơn. DN nào đạt được kế hoạch lợi nhuận cả năm hay tăng trưởng so với trước là rất giỏi. Nếu không về đích mục tiêu lợi nhuận trong năm nay thì cũng bình thường khi lãi suất đã tăng vọt trong khi nhu cầu tiêu dùng lại sụt giảm mạnh”, TS Đinh Thế Hiển nói.
Các DN phải có dự báo kỹ hơn về kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước thông qua một số chỉ tiêu như tăng trưởng GDP, lạm phát, lãi suất và tỷ giá hối đoái. Từ đó, mỗi DN sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp cũng như đẩy mạnh công tác quản trị trong bối cảnh khó khăn này.
Đồng tình, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phân tích kinh tế VN đã tăng tốc trong 6 tháng đầu năm 2022 và hầu hết DN cũng có hoạt động thuận lợi, sản xuất kinh doanh tăng trưởng khá cao. Nhưng kể từ cuối quý 3 trở đi khi lãi suất, tỷ giá hối đoái bắt đầu gia tăng thì nhiều DN bộc lộ khó khăn.
Bản thân các công ty xăng dầu vẫn có lãi lớn nhờ giá sản phẩm đã tăng cao và nguyên tắc đều mua dự trữ trước đó. Thế nhưng khi bước sang quý 3/2022, một số đơn vị này cũng báo lỗ khi giá sụt giảm nhưng nhờ kết quả ấn tượng trong 6 tháng trước đó nên vẫn báo lãi lớn. Còn với ngành ngân hàng thì luôn có lãi khi tăng trưởng tín dụng cao và biên lợi nhuận vẫn được duy trì.
Nhưng các DN nói chung, nhất là bất động sản, logistics, thép…, thì đã gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ lẫn giá sụt giảm trong khi chi phí tài chính đều tăng. TS Huỳnh Thanh Điền cho rằng nhìn chung do nền kinh tế VN vẫn tăng trưởng tốt trong 9 tháng năm 2022 nên hoạt động kinh doanh của nhiều DN năm 2022 vẫn đạt khá. Dù vậy, các công ty sẽ thực sự khó khăn kể từ quý 4/2022 và kéo sang năm 2023 khi hàng loạt chi phí đầu vào tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu thụ đi xuống.
Bình luận (0)