Nói vậy là bởi ngày 23.2, công văn này ra đời và có quy định: "Yêu cầu từ 1.3, các tổ chức, cá nhân và người dân không được sử dụng "karaoke di động" (loa kẹo kéo), nhạc sống vào các ngày làm việc trong tuần (từ thứ hai đến thứ sáu). Trường hợp tổ chức đám cưới, đám hỏi, lễ hội thì phải báo cáo với chính quyền địa phương. Ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần cho phép hoạt động nhưng đảm bảo âm thanh vừa phải và nghiêm cấm hoạt động từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau".
Điều thú vị là nhiều ý kiến ủng hộ mạnh mẽ công văn này. Nhưng sự đồng tình của cộng đồng mạng và dư luận không ngăn được sự yểu mệnh của công văn này, bởi chưa đầy 1 ngày sau, công văn bị thu hồi với lý do "do sơ suất trong khâu ban hành văn bản". Thực tế rối rắm hơn nhiều, nhất là vấn đề pháp lý.
Hát "karaoke kẹo kéo" bất kể thời điểm, giờ giấc, làm ảnh hưởng đến những người xung quanh trở thành vấn nạn không chỉ ở TT.Cam Lộ mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Vấn đề tưởng có thể giải quyết trong vòng "một nốt nhạc" hóa ra, không hề đơn giản.
Khi người viết phỏng vấn ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông chia sẻ một văn bản hành chính nhà nước khi ban hành phải đảm bảo đồng thời 2 yêu cầu "hợp lý" và "hợp pháp". Trên thực tế việc quản lý nhà nước đối với hoạt động hát loa kẹo kéo còn gặp nhiều khó khăn do phải đo tiếng ồn. Nhưng việc này không phải lúc nào, nơi nào cũng thực hiện được. Người viết cũng rất đồng tình với quan điểm của ông Nam rằng trong bối cảnh này, để hạn chế "thảm họa" loa kẹo kéo, người dân cần tự tạo ý thức. Các làng, các thôn xóm hãy ra những hương ước, những quy định của thôn xóm, để mọi người cùng bảo ban, nhắc nhở nhau cùng có một môi trường sống, môi trường âm thanh trong sạch.
Bình luận (0)