Công việc giáo viên thời dịch bệnh: Chạy đôn đáo giữa những lớp học có F0

02/03/2022 05:59 GMT+7

Khối lượng công việc nhiều gấp đôi, gấp ba so với bình thường; khi lớp có F0, giáo viên phải làm thêm việc điều tra dịch tễ, liên hệ phụ huynh, báo cáo với trường…

Chưa kể giáo viên (GV) vừa dạy vừa chạy qua lại phòng y tế khi có học sinh (HS) ho, sốt, rồi di chuyển giữa các lớp học... Đó là nỗi vất vả và áp lực không phải ai cũng thấu hiểu khiến GV trong những ngày này mệt phờ, đuối sức nhưng vẫn phải nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Vừa làm giáo viên, vừa làm “nhân viên y tế”

Sáng 1.3, đang trong lớp học thì cô Nguyễn Thị Thu, GV Trường tiểu học N.T, Q.4, TP.HCM, phát hiện một HS nằm ra bàn, mắt lờ đờ, có biểu hiện mệt mỏi. Cô Thu vội vàng kiểm tra trán thì không thấy sốt, nhưng HS cho biết bị sổ mũi. Thế là bỏ ngang tiết học, cô lập tức đưa HS xuống phòng y tế để test. May mắn là HS có kết quả âm tính nên cô đưa về lớp tiếp tục theo dõi.

Cô Thu cho biết: “Thời điểm này có lớp F0 và F1 là 11 trên tổng số 41 HS, có lớp 37 em thì 14 em là F0 và F1... Mỗi lần có F0 là GV sẽ làm công tác điều tra dịch tễ, khoanh vùng F1, đưa F0 và F1 qua phòng cách ly, di chuyển HS còn lại qua phòng học dự phòng của trường để khử khuẩn lớp học, liên lạc với phụ huynh của F0 và F1 để phụ huynh đến đón về nhà. Nếu là ngày cuối tuần khi phụ huynh báo có con là F0, cô cũng phải liên lạc với các cha mẹ có con là F1 để theo dõi sức khỏe HS. Đồng thời GV phải chạy vô trường gom sách vở để riêng chờ phụ huynh tới lấy về cho các con học trực tuyến”.

Nhiều giáo viên hiện nay vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến tại lớp học

H.T

Việc dạy của GV lớp học có F0 còn gian nan gấp nhiều lần vì phải dạy song song trực tiếp ở trên lớp và trực tuyến để HS ở nhà cùng học. Cô Thu kể tiếp: “Trường 37 lớp thì có 10 lớp toàn bộ HS ở nhà học trực tuyến, một vài lớp vắng từ 5 - 10 em thì GV dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến qua Zoom. Đối với những lớp học không có đủ thiết bị và wifi, GV bộ môn vừa dạy trực tiếp xong là phải gom máy móc chạy tìm phòng có wifi để dạy trực tuyến cho một lớp khác, mà chỉ có 5 phút để di chuyển nên thường không kịp giờ. Nhiều GV phải phụ đạo cho HS F0 và F1 vào buổi tối vì lớp không đủ thiết bị để có thể vừa dạy trực tuyến vừa dạy trực tiếp cùng lúc”.

Tuy cực là vậy nhưng cô Thu và đồng nghiệp luôn vui vẻ, lạc quan. “Tụi mình dù mệt nhưng sẽ tìm mọi cách để các em F0, F1 không bị thiệt thòi và phụ huynh cũng yên tâm phần nào vì bé ở nhà vẫn tham gia lớp học cùng cô và bạn, tinh thần các con cũng vui vẻ hơn”, cô Thu bày tỏ.

Tương tự, mỗi ngày của cô Phan Thị Diễm Trang, GV Trường tiểu học Lê Văn Tám (Q.7, TP.HCM), đều bắt đầu bằng việc kiểm tra sĩ số xem ai vắng, vắng vì lý do gì, có liên quan triệu chứng Covid-19 hay không. Mỗi lần có HS bị ho, sốt là cô Trang lập tức lên danh sách báo cáo y tế trường, đưa HS xuống phòng cách ly để xét nghiệm.

“Lớp tôi hiện có 1 F0 và 6 F1. Áp lực nhất thời điểm này có lẽ là xuất hiện F0 trong lớp học, GV sẽ phải làm công tác dịch tễ, khoanh vùng xác định F1, liên lạc trao đổi với phụ huynh, thường xuyên xịt khuẩn lớp học... Bên cạnh đó, GV phải lo dạy trực tiếp lẫn trực tuyến để đảm bảo F0, F1 không bị mất bài. Vừa dạy xong lớp học trực tuyến ở một phòng khác, GV lại vội vàng chạy sang lớp học trực tiếp. Mỗi ngày đều chạy qua lại như thế. Buổi tối thì tiếp tục soạn bài, trả lời tin nhắn phụ huynh, hỏi thăm sức khỏe F0, F1... Khi chưa trở lại trường, dạy trực tuyến đã áp lực, công việc của GV những ngày này còn áp lực gấp nhiều lần”, cô Trang chia sẻ.

Giáo viên hiện nay kiêm luôn cả một phần công việc của nhân viên y tế

ngọc dương

Làm việc gấp đôi, gấp ba

Ông Trần Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình, TP.HCM), khẳng định đây là thời điểm mà GV vô cùng vất vả và áp lực. Ông Tâm cho biết: “Sau 2 tuần đi học, trường có hơn 50 F0 và hơn 500 F1 phải tạm dừng học trực tiếp để cách ly tại nhà. Hiện GV và nhà trường đang phải gồng bởi áp lực công việc. Chúng tôi phải làm những công việc như của một cơ quan y tế, đó là khi xuất hiện 1 ca F0 thì phải điều tra dịch tễ, khoanh vùng F1, phán đoán nguy cơ lây nhiễm, test toàn bộ HS F1, theo dõi sức khỏe từ xa... Chưa kể trường có 4 GV cũng bị F0 khiến việc tổ chức dạy học vô cùng khó khăn”.

“Thực sự là thầy cô và nhà trường đã có 2 tuần lao đao vì xuất hiện quá nhiều F0. GV thì phải nỗ lực rất nhiều, làm việc gấp đôi gấp ba để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo việc giảng dạy”, ông Tâm chia sẻ.

Bà Hà Thị Phương Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, cũng thông tin đến nay trường có hơn 30 F0 và hàng trăm F1. “GV cực, nhất là vừa dạy vừa phải đề phòng lớp có F0 vì nếu có F0 là lớp hoặc nghỉ hết hoặc chia đôi nửa đi học nửa ở nhà. Có những công việc ở trường thầy cô làm không kịp, tối các thầy cô lại tiếp tục làm việc ở nhà”, bà Thanh cho biết. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.