Đây là đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước tại hội nghị thông tin công viên địa chất Lý Sơn do UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức tại TP.Quảng Ngãi vào hôm qua 5.10.
Theo ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, từ đầu tháng 1.2018 đến nay, qua 4 đợt khảo sát và lấy mẫu gửi sang Nhật Bản phân tích, các nhà khoa học trong và ngoài nước đều nhận định công viên địa chất Lý Sơn tập hợp nhiều giá trị di sản quý báu, độc đáo, không những tạo nên cảnh quan kỳ thú mà còn là những bằng chứng ghi lại lịch sử phát triển địa chất lâu dài của vỏ trái đất.
Từ đó, các nhà khoa học đề xuất công viên không chỉ giới hạn ở vùng biển đảo Lý Sơn và vùng phụ cận, mà nhất thiết phải mở rộng phạm vi với tổng diện tích hơn 2.000 km2 bao phủ 9 huyện, thành phố gồm cả vùng núi, đồng bằng ven biển và hải đảo. “Vùng biển đảo Lý Sơn là phần cốt lõi của công viên địa chất và không gian văn hóa Sa Huỳnh là phần hồn. Do vậy, chúng tôi đang trình tỉnh và tham vấn cộng đồng đổi tên thành công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho người dân và tham gia vào mạng lưới công viên địa chất toàn cầu trong tương lai gần”, ông Trí nói.
Các nhà khoa học của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Tổng hội Địa chất VN, phân tích: Vùng dự kiến xây dựng công viên địa chất Lý Sơn sở hữu nhiều di sản địa mạo có giá trị khoa học, giáo dục cũng như thưởng ngoạn. Đó là các miệng núi lửa với độ cao và kích thước khác nhau, thể hiện nhiều giai đoạn phun trào mạnh mẽ trên đảo Lý Sơn và ven biển Quảng Ngãi; “nghĩa địa” san hô hình cối xay nằm phía đông bắc đảo Lý Sơn, với những khối san hô hóa thạch hình cầu có nhiều vòng xoay quanh một tâm không chỉ đẹp và lạ về hình thái mà còn là minh chứng khoa học cho giai đoạn biển tiến, biển lùi cách ngày nay từ 6.000 - 4.000 năm; vùng cát đụn (cát - gió) ở đảo Bé (Lý Sơn) là di vết của đường bờ biển cổ dự đoán từ kỷ Pleistocen muộn; đá trầm tích bãi biển (beach rock) nơi có thể tìm thấy đa dạng sinh vật biển với các mảnh san hô, vỏ sò ốc được gắn kết bởi vật chất vôi; các bậc thềm biển tích tụ, mài mòn, các ngấn nước biển khắc trên vết đá trầm tích, đá magma ở độ cao khác nhau nói về các lần biển tiến, biển lùi; địa hình đá bazan dạng cột tạo thành những vách biển kỳ vĩ; hệ thống đầm phá nước ngọt và nước mặn kế tiếp nhau; di chỉ văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng…
Bình luận (0)