Khác biệt với các công viên ở Sài Gòn, công viên Phạm Đình Hổ được xem là nơi hẹn hò, gặp gỡ, giao lưu của những người giúp việc.
Nhiều chàng trai, cô gái đang tuổi cập kê hẹn hò ở công viên Phạm Đình Hổ vào chiều thứ bảy - Ảnh: Lam Ngọc
|
Điểm hẹn...
Công viên Phạm Đình Hổ nằm cạnh nút giao giữa đường Cao Văn Lầu, Phạm Văn Khỏe (thuộc P.1, Q.6, TP.HCM). Người dân sống ở khu vực này cho biết công viên được xem là nơi hẹn hò của những chàng trai, cô gái đến Sài Gòn mưu sinh. Họ làm nghề giúp việc nhà, phụ việc cho tiệm may, tiệm hàn, tiệm sửa xe. Chủ yếu là những chàng trai, cô gái độc thân…
Có mặt ở công viên vào tối thứ bảy, chúng tôi thấy không khí tấp nập hơn nhiều so với ngày thường. Ngồi khắp ghế đá là các chàng trai, cô gái lứa tuổi cập kê. Chốc chốc lại có thêm vài anh chàng đưa bạn gái tới. Họ dựng xe thành hàng ở hai bên lối vào công viên rồi tìm chỗ ngồi. Nhiều người tới muộn không tìm được chỗ rủ nhau tìm một góc riêng tâm sự.
Ngồi một mình ở ghế đá, cô gái Sơn Thị Diệu (23 tuổi, quê Giồng Riềng, Kiên Giang) nở một nụ cười ngượng nghịu khi gặp chúng tôi. Diệu cho biết: “Tôi lên Sài Gòn phụ coi em cho nhà người quen được 3 năm nhưng chốn vui duy nhất mà tôi biết là góc nhỏ ở công viên này. Tối thứ bảy và chủ nhật nhiều bạn bè của tôi hẹn nhau ở đây. Con gái đi giúp việc nhà, phụ làm may. Con trai thì đi phụ sửa xe, bốc vác. Cuối tuần tranh thủ tới công viên này, gặp nhau chia cho nhau vài thứ trái cây, bánh ngọt. Cũng đỡ nhớ quê hơn”.
Và chuyện tình
“Nhiều người rỉ tai nhau rằng, trước đây có một chàng trai người Khmer làm nghề cửu vạn và một cô gái quê ngoài bắc làm ô sin gặp và yêu nhau ở công viên này. Họ quen nhau hơn 1 năm, sau đó còn làm đám cưới tại công viên. Từ đó tới nay người ta đồ rằng, ai chưa có người yêu tới đây sẽ có cơ hội tìm được người yêu. Tôi lên Sài Gòn làm giúp việc, đến nay đã là năm thứ 7. Nghe người ta kể tôi đánh bạo ra đây tìm thử, ai ngờ tìm được anh ấy thật…”, Thạch Thị Thương (26 tuổi, quê Sóc Trăng) chia sẻ với ánh mắt mong ngóng “anh ấy”.
Người yêu của Thương phụ sửa xe cho một tiệm ở Q.5, mỗi tuần hai người gặp nhau 2 lần vào tối thứ bảy và chủ nhật. “Gọi là hẹn hò nhưng chúng tôi không phải tốn kém tiền bạc gì. Anh ấy mang nước còn tôi mang chút đồ ăn. Được chủ nhà cho bánh, trái cây tôi đều để dành trong tủ lạnh đợi đến thứ bảy mang ra hai đứa ăn cùng. Còn anh, chủ tiệm cho bao nhiêu tiền cũng nhờ tôi giữ hết. Tôi cũng để dành được một ít. Chúng tôi tính năm sau về quê đám cưới, không trở lên Sài Gòn nữa”, Thương thật thà nói.
Theo chân chị Thạch Thị Thái (24 tuổi, quê Trà Vinh), chúng tôi thấy dù công việc vất vả, nhưng chị vẫn luôn lạc quan, vui vẻ. “Tôi lên Sài Gòn giúp việc nhà cho người ta lúc mới 18 tuổi, bắt đầu bằng công việc chăm em bé. Mới 19 tuổi nhưng tôi đã thành thạo công việc chăm con người khác. Tới nay, em bé đã 6 tuổi, được gia đình cho đi học cả ngày nên công việc của tôi cũng nhẹ nhàng hơn trước. Tôi chăm nom công việc nhà, lo cơm nước, làm xong sớm thì được đi chơi”, chị Thái chia sẻ.
Ở công viên này, chị Thái tình cờ gặp được anh Danh Út (28 tuổi, quê Sóc Trăng) và tình yêu của hai người bắt đầu từ buổi gặp tình cờ ấy. “Anh Út là con trai lớn trong gia đình nên nhiều gánh nặng. Anh rời quê lên Sài Gòn phụ việc kiếm tiền gửi về quê phụ mẹ nuôi 4 đứa em. Anh tuy nhỏ người, da đen thui nhưng hiền lành và thương tôi lắm...”, chị Thái thổ lộ.
Hiện anh Út đang làm bốc xếp cho một sạp vải ở Chợ Lớn. “Tôi yêu Thái vì hai chúng tôi đều là người Khmer và có hoàn cảnh khá giống nhau. Cha tôi mất sớm, mẹ Thái cũng bỏ đi từ khi cô ấy còn nhỏ, nhà lại đông anh em nên Thái vất vả nhiều. 18 tuổi Thái phải đi ở cho người ta, phải học làm mẹ khi vừa tròn tuổi lớn. Tôi thương Thái”, anh Út thật thà.
“Quen nhau hơn 1 năm nay nhưng chúng tôi chưa một lần đi xem ca nhạc, xem phim hay uống cà phê như bao cặp đôi khác. Nơi chúng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc nhất chính là công viên này. Cũng chính ở đây chúng tôi đã tìm thấy nhau”, chị Thái cười.
Công viên Phạm Đình Hổ nổi tiếng phức tạp bởi tập trung nhiều thành phần nghiện hút, bụi đời. Vậy mà ngay chính nơi nhộn nhạo ấy tình yêu thương lại nảy nở với những người lao động nghèo. Ở đó họ tìm được một chốn yêu thương, một bến đợi đời người…
Bình luận (0)