Nhếch nhác giữa lòng di sản
Đó là đánh giá của Công ty CP bảo tồn di sản văn hóa Kiến trúc Việt (gọi tắt là đơn vị khảo sát) khi thực hiện khảo sát địa hình, kiến trúc, hệ sinh thái… nhằm phục vụ công tác lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Ngày 24.12.2018, Ngũ Hành Sơn được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt bởi những giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan và khảo cổ. Tháng 4.2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Tiếp đó, Sở VH-TT TP.Đà Nẵng phê duyệt nhiệm vụ khảo sát và giao cho công ty đã nêu thực hiện.
Kết quả đánh giá hiện trạng các công trình kiến trúc xây dựng trong phạm vi quy hoạch cho biết, theo chủ trương của TP, hơn 10 năm qua, trong khu vực không cấp phép xây dựng mới. Trên các tuyến phố, như Huyền Trân Công Chúa, Non Nước, nhà ở kết hợp làm nơi buôn bán, kinh doanh các mặt hàng đá mỹ nghệ phục vụ du khách không theo quy tắc, lộn xộn, mất thẩm mỹ. Đối với khu vực dân cư, nhiều năm qua, TP và các cơ quan chức năng đã tiến hành di dời, giải tỏa nhiều hộ dân sinh sống dưới chân các ngọn núi. “Tuy nhiên, sau khi dời đi, hiện còn rất nhiều nhà tạm, móng, tường nhà bị đập phá, chưa dọn dẹp mặt bằng để lại nhiều khu vực rất nhếch nhác giữa lòng di sản”, đơn vị khảo sát nhận định.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khu vực thuộc di tích tại ngã ba đường Lê Văn Hiến và Huyền Trân Công Chúa không chỉ nhếch nhác, hoang vu bởi những lùm cây mà còn đang gây ô nhiễm môi trường. Tại khu vực này, rác thải nằm xen lẫn trong rừng cây và bốc mùi hôi thối. Trong khi đó, khu vực đối diện các ngọn núi (bên kia đường Lê Văn Hiến) là những nhà dân lụp xụp, quang cảnh tiêu điều do 10 năm qua không được sửa chữa, nâng cấp. “Vì vướng quy hoạch nên dù chúng tôi đã nhiều lần làm đơn gửi UBND quận, TP đề nghị sửa chữa nhà ở để chống bão nhưng vẫn không được. Nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa bão là cả nhà lại nơm nớp lo sợ. 12 năm “sống treo” rồi, chúng tôi chờ đến khi nào nữa?”, bà Huỳnh Thị Mỹ Lệ (41 tuổi, trú tại kiệt 710 Lê Văn Hiến) bức xúc.
Đơn vị khảo sát cho biết thêm, kết quả từ 550 phiếu điều tra xã hội học và khảo sát thực tế trong khu vực cho thấy, số nhà tạm, mái tôn xuống cấp có đến 370 căn (chiếm 67%). Theo đó, nhu cầu cải tạo, xây dựng của hơn 600 hộ dân, nhu cầu mở rộng diện tích ở rất bức thiết với trên 3.000 m2.
|
Phải tiếp tục… chờ
Từ năm 2009, UBND TP.Đà Nẵng đã có quyết định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn; tổng diện tích gần 139 ha. Thế nhưng, đã hơn một thập kỷ trôi qua, dự án này vẫn “đứng bánh” gây ra nhiều bức xúc trong người dân. Trong khi người dân mòn mỏi chờ đợi thì các hoạt động triển khai dự án vẫn “đắp chiếu”. Không chỉ vậy, trong thời gian dự án “treo”, việc bảo vệ, bảo tồn di tích đã phát sinh nhiều hệ lụy. Đơn cử như việc phục dựng 2 trụ cửa điêu khắc Chăm bằng sa thạch trên đường lên chùa Tam Thai vào năm 2015 làm mất yếu tố gốc; việc đặt thang máy ngay cạnh ngọn Thủy Sơn đã phá vỡ cảnh quan tự nhiên của khu danh thắng… Các quyết định giao đất các cơ sở tôn giáo là 13 chùa có tổng diện tích được cấp khoảng 62.500 m2. Nhưng trên thực tế, do nhiều nguyên nhân, phần diện tích đất cũng như kiến trúc xây dựng đang được các cơ sở tôn giáo quản lý và sử dụng là hơn 108.346 m2.
Cũng theo đơn vị này, do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương mà quá trình vận động du lịch làm ảnh hưởng nhiều mặt đến di sản, như: sự khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, sự lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản… làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị… Theo tài liệu của Thanh Niên có được, mặc dù năm 2018, Thủ tướng đã xếp hạng danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn là di tích quốc gia đặc biệt nhưng tiến độ thực hiện quy hoạch vẫn ì ạch: Đến tháng 5.2020, UBND TP có kết luận giao Sở VH-TT TP đôn đốc dự án quy hoạch. Tháng 8.2020, ngành chức năng TP mới ký hợp đồng với đơn vị khảo sát lập quy hoạch. Theo tiến độ do Sở VH-TT TP đề ra, trong tháng 5 tới, Đà Nẵng sẽ trình Bộ VH-TT-DL thẩm định; báo cáo hội đồng thẩm định và hoàn thiện quy hoạch di tích. Và trong tháng 6, TP sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, tiến độ tiếp tục bị chậm.
Ông Hà Vỹ, Phó giám đốc Sở VH-TT TP, cho biết theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh tại cuộc họp báo cáo tiến độ (vào ngày 22.4 vừa qua) thì đến giữa tháng 5 này mới báo cáo Thường trực Thành ủy về đồ án quy hoạch công viên. “Việc này có chậm tiến độ so với ban đầu do tư vấn khảo sát vướng giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19. Mục tiêu là sau khi báo cáo Thường trực Thành ủy sẽ báo cáo Bộ VH-TT-DL”, ông Vỹ nói. Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VH-TT TP, cho biết: “Anh em đang quyết tâm làm bởi vì dự án này cũng đã lâu. Đây là dự án lớn vì liên quan đến di tích quốc gia đặc biệt nên phải đánh giá kỹ càng, hài hòa về cảnh quan, đầu tư hiệu quả… và nhiều vấn đề khác. Tinh thần là quyết tâm thực hiện và sớm hoàn thành”.
Bức thiết mở rộng cơ sở tôn giáo
Theo kết quả của đơn vị khảo sát, nhu cầu mở rộng diện tích các cơ sở tôn giáo là khá bức thiết. Trong đó, chùa Tam Thai đề nghị được xây mộ tháp; chùa Linh Ứng muốn xây dựng khu vườn tượng 18 vị La Hán; chùa Từ Tâm xin xây lại chính điện sau khi đã bị sập do sạt lở núi cách đây 2 năm; chùa Quán Thế Âm xin được xây dựng khu nội viện, nơi sinh hoạt của các phật tử vào mùa lễ hội; chùa Long Hoa xin được xây nhà tổ, nhà tăng…; chùa Thái Sơn có nhu cầu tu bổ lại chính điện do xuống cấp, dột nát…
|
Vào đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Đà Nẵng ký quyết định điều chỉnh danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào TP giai đoạn 2020 - 2025, trong đó kêu gọi đầu tư dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỉ đồng. Với tiến độ mới chỉ hoàn thành khảo sát lập quy hoạch, người dân trong vùng dự án chắc chắn sẽ phải tiếp tục… chờ!
Bình luận (0)