Trong buổi giao lưu với độc giả báo Thanh Niên vào chiều 11.12, một bạn đọc ở Hà Nội đã đặt câu hỏi khá…lãng mạn cho Công Vinh: “Cái khoảng không bao la ở sân vận động kèm với áp lực chết người ở khán đài, lại là thứ mê hoặc nhất, say đắm nhất với bất kỳ cầu thủ nào. Giờ chia tay vĩnh viễn những thứ ấy, cảm giác anh ra sao - có "tuyệt vọng" không?”.
Vinh lặng đi trong giây lát rồi đáp: “Tôi hiểu chữ tuyệt vọng ở đây hàm ý gì. Có lẽ là nỗi buồn. Một nỗi buồn rất lớn. Tôi bắt đầu thi đấu bóng đá từ năm 13 tuổi đến nay vừa tròn 18 năm. Không thể kể hết những gì thăng trầm mà tôi đã trải qua. Ký ức vui buồn cũng nhiều vô kể. Thất bại trên tay tôi rất nhiều, bên cạnh những thành công.
Tôi đã từng bị chấn thương phải ra nước ngoài điều trị và có lúc tưởng phải giải nghệ vì đứt dây chằng là loại chấn thương rất khó chữa. Tôi đã từng rơi vào tình trạng thất vọng, ức chế, bi quan. Cuộc sống đang từ màu hồng chuyển sang một màu tăm tối. Sang Bồ Đào Nha điều trị, tôi phải ăn kiêng, không ăn thịt, không ăn chất béo, phải ăn salad nhiều. Kinh khủng lắm. Nhưng không có lẽ mình cứ ngồi đó mà than thân trách phận, trong khi đang được hưởng điều kiện y tế tốt nhất. Tôi nhìn đĩa salad rồi bảo mình: Mày là thứ đáng ghét, nhưng tao sẽ “chinh phục” mày. Và thế là vượt qua.
|
Nhưng đối với một cầu thủ, cái gì mới là đáng sợ nhất? Chấn thương ư, phải. Nhưng chưa đủ. Mà đáng sợ nhất là cái nhìn “thù hằn” của người khác dành cho mình. Năm 2009, khi tôi sang Bồ Đào Nha thi đấu cho CLB Leixoes. Sang bên ấy sự thật mới phũ phàng làm sao. Tôi sang hai tháng không được chuyền bóng, tập lủi thủi một mình dù tôi rất cố gắng hòa nhập. Các cầu thủ nhìn tôi theo kiểu không biết tôi sang đây làm gì. Tất cả không ai thân thiện với mình cả. Nhưng sau hai tháng cắn răng chịu đựng và miệt mài tập, tôi đã dần dần được thay đổi sự đối xử. Họ giúp đỡ tôi nhiều hơn. Và có thể chính sự thiếu thân thiện ban đầu đó lại là bước đệm cho tôi thi đấu thành công ở Nhật Bản ngay sau thời gian này. Khán giả và cầu thủ ở Nhật gần gũi, họ luôn nói với tôi: Cố lên, Vinh!
Tôi muốn kể một câu chuyện vui khác. Cái lần tôi sang Bồ Đào Nha điều trị, cầu thủ Anderson (cựu tiền vệ M.U, quốc tịch Brazil) đã gọi tôi là Jackie Chan – tên của diễn viên nổi tiếng (Thành Long). Tôi là Jackie Vinh chứ. Vì tôi cũng vượt qua quá nhiều thử thách trong sự nghiệp. Để bây giờ chia tay nó, tôi nhớ vô cùng”.
|
“Trên Facebook, nhiều người khuyên anh rút lại quyết định giải nghệ. Dĩ nhiên, chúng tôi biết anh không thay đổi quyết định mang tính bước ngoặt đó. Nhưng chí ít, anh sẽ nói gì với những lời khuyên chân tình ấy?”. Vinh tiết lộ: “Cách đây ít lâu, tôi mới chỉ có ý nghĩ sẽ giã từ đội tuyển sau AFF Cup và có thể sang nước ngoài thi đấu cho một CLB nào đó. Nhưng thất bại của đội tuyển ở bán kết AFF Cup đã khiến tôi rất đau lòng. Năm 2014, Việt Nam đã thua đau ở bán kết và cho đến năm 2016 cũng vẫn không thể lọt vào trận chung kết. Vì đau lòng mà tôi đã quyết định treo giày mãi mãi.
Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi xúc động khó diễn tả thành lời. Chia tay bóng đá, rưng rưng lắm. Tôi chưa biết tôi sẽ làm gì. Nhưng tôi xin cảm ơn những ai yêu mến tôi. Với những ai “chửi” tôi, miệt thị tôi, tôi cũng cho qua hết. Tôi là người theo đạo Phật. Có thể kiếp trước, tôi đã phạm phải sai lầm nào đó mà kiếp ngày tôi phải trả nghiệp. Trả nghiệp bằng cách phải nỗ lực lao động. Tôi xin cảm ơn cuộc đời này đã chọn tôi cho bóng đá và chọn bóng đá cho tôi”.
tin liên quan
Lê Công Vinh từng bị nghi ngờ là điên vì cầm giày đinh tự đánh vào đầuCựu tiền đạo tuyển Việt Nam Lê Công Vinh đã kể lại câu chuyện về mình với giọng dí dỏm trong buổi giao lưu với độc giả báo Thanh Niên chiều 11.12.
Bình luận (0)