Container 'điên' khiến 4 người chết ở Bến Lức: Nạn nhân được bồi thường thế nào?

05/01/2019 09:16 GMT+7

Theo các chuyên gia pháp lý, các nạn nhân trong vụ xe container 'điên' ở Long An sẽ được chủ xe, bảo hiểm bồi thường. Trong đó, chủ xe là người có trách nhiệm bồi thường nặng nề nhất.

[VIDEO] Người dân Bến Lức kể về tai nạn thảm khốc: “Xe container chạy như ma nhập”
Như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 15 giờ 30 ngày 2.1, tài xế Phạm Thành Hiếu điều khiển xe container BS 62C - 043.48 kéo rơ móc BS 62R - 001.08 lưu thông trên QL1 theo hướng miền Tây về TP.HCM. Khi đến nút giao thông tại ngã tư Bình Nhựt, thuộc ấp 3, xã Nhựt Chánh, H.Bến Lức (Long An), xe container này bất ngờ tông vào 21 xe máy đang dừng đèn đỏ. Vụ tai nạn làm 4 người chết và 18 người bị thương.
Sáng 3.1, tài xế Hiếu được công an đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An xét nghiệm 2 lần. Kết quả tài xế dương tính với ma túy và có nồng độ cồn cao. Vậy trong trường hợp này, các nạn nhân sẽ được bồi thường thế nào?

Chủ xe phải bồi thường

Luật sư (LS) Võ Văn Trà - Đoàn LS TP.HCM cho biết, theo Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015, công ty Thạnh Đức (chủ xe) sẽ phải bồi thường thiệt hại do tài xế Hiếu gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được công ty giao.
Sau khi thực hiện việc bồi thường cho nạn nhân, công ty Thạnh Đức có quyền yêu cầu hoặc khởi kiện yêu cầu tài xế Hiếu hoàn trả lại cho công ty số tiền thực tế mà công ty đã bồi thường cho các nạn nhân.
LS Huỳnh Công Thư - Đoàn LS tỉnh Long An cũng cho rằng, nhằm đảm bảo việc bồi thường được kịp thời và chắc chắn, pháp luật dân sự quy định chủ xe cơ giới phải có trách nhiệm liên đới với tài xế bồi thường cho các nạn nhân.
Cụ thể, Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chủ nguồn nguy hiểm cao độ, tức chủ xe phải có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân kể cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của bị hại.
"Bên cạnh việc lo chi phí mai táng, hỗ trợ tinh thần người nhà của người chết, không quá 100 tháng lương cơ bản, chủ xe còn phải nuôi con của người thiệt mạng tới năm 18 tuổi. Với những người bị thương trên 18 tuổi mất khả năng lao động, chủ xe phải chịu chi phí chăm sóc tới khi người bị thương già. Trường hợp người bị thương nằm một chỗ, chủ xe phải chịu các chi phí chăm sóc và chi phí thuê người chăm nuôi", LS Thư phân tích.
[VIDEO] Người nhà nạn nhân bức xúc vì tai nạn ở Bến Lức

Bảo hiểm bồi thường thế nào?

LS Trà cho hay, hầu như tất cả xe máy tham gia giao thông tại Việt Nam đều phải tham gia bảo hiểm xe máy bắt buộc và bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe. Khi có tai nạn xảy ra, tất nhiên người đi xe máy sẽ được bồi thường theo quy định, mức bồi thường tùy theo mức độ tai nạn, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán một số tiền bồi thường cụ thể.
Chiếc xe container gây ra tai nạn ở Bến Lức, khiến 4 người tử vong và 18 người bị thương Phạm Hữu
Theo đó, trong một vụ tai nạn, số tiền bồi thường tối đa cho mỗi nạn nhân bị thiệt hại thân thể là 50 triệu đồng; tổng tài sản thiệt hại cũng được bồi thường tối đa tới 50 triệu đồng đối với xe ô tô và 30 triệu đồng đối với xe gắn máy.
[VIDEO] Anh xe ôm nghĩa hiệp cứu nhiều nạn nhân trong tai nạn ở Bến Lức
"Về thủ tục hưởng bồi thường từ bảo hiểm xe máy bắt buộc, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 22 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới: “Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này và các tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới cho doanh nghiệp bảo hiểm", LS Trà thông tin.
LS Huỳnh Công Thư nêu ý kiến rằng, khi tai nạn xảy ra, chủ xe cơ giới phải báo cho cơ quan bảo hiểm, phải hợp tác với bên bán bảo hiểm giám định, đánh giá, kê khai thiệt hại và bên bán bảo hiểm phải có trách nhiệm chi trả cho các nạn nhân chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại và 30 ngày nếu phải xác minh. Trong trường hợp không bồi thường phải có văn bản trả lời và bên không được bồi thường có thể kiện ra tòa án.
Điều đáng chú ý là tình tiết tài xế say rượu và dùng ma túy không phải là trường hợp loại trừ bảo trách nhiệm bảo hiểm. Do đó, các nạn nhân sẽ được bồi thường với mức tối đa là 100.000.000 đồng trên một trường hợp.
Ngoài ra, theo LS Thư, đối với các nạn nhân, nếu có tham gia bảo hiểm bắt buộc hoặc bảo hiểm dân sự tự nguyện thì bên bán bảo hiểm có trách nhiệm chi trả cho các nạn nhân này, căn cứ vào quan hệ bảo hiểm mà họ tham gia với mức bồi thường căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm giữa họ với bên tham gia bảo hiểm.

Tài xế Hiếu phạm tội gì?

LS Võ Văn Trà cho biết, có nhiều quan điểm khác nhau về tội danh trong trường hợp này, rõ nhất là tài xế Hiếu phạm tội Vi phạm điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2016, và với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, tài xế Hiếu có thể bị truy tố với mức hình phạt lên đến 15 năm tù.
"Theo tôi, hành vi của tài xế Hiếu đầy đủ dấu hiệu của tội Giết người với lỗi cố ý, thay vì tội Vi phạm điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với lỗi vô ý. Thật vậy, xem clip hiện trường, không khó để nhận ra ngay khi xe container lao tới, rõ ràng tài xế Hiếu có ít nhất hai sự lựa chọn: hoặc đánh xe sang trái; hoặc tông thẳng vào ô tô tải phía trước thì hậu quả xảy ra (nếu có), chỉ là thiệt hại về tài sản (móp xe, bể máy xe...). Nhưng tài xế Hiếu đã không chọn thế, mà đã lách qua rồi đâm hàng loạt xe máy làm 4 người chết và bị thương hàng loạt người", LS Trà phân tích.
Theo LS Trà, vụ tai nạn giao thông thảm khốc này, nhất thiết phải truy trách nhiệm của chủ xe.
Cảnh tượng tang thương sau tai nạn xe container ở Bến Lức Phạm Hữu
Đồng quan điểm, LS Huỳnh Công Thư cũng cho rằng chủ xe có thể bị cơ quan điều tra sẽ khởi tố tội Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nếu chứng minh được chủ xe, giám đốc công ty hay người sử dụng lao động biết rõ tài xế đã say rượu hay đã dùng ma túy mà vẫn giao xe, điều động tài xế lái đi là vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ về điều kiện tham gia giao thông của tài xế được quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2016. Người phạm tội này có thể bị phạt tù 7 năm nếu hành vi của người được giao xe gây tai nạn làm chết từ 3 người trở lên.
"Nếu chiếc xe không đảm bảo kỹ thuật, không đủ điều kiện lưu thông trên đường mà cơ quan đăng kiểm vẫn cho phép lưu thông dẫn đến thắng không hoạt động gây ra tai nạn thì có thể phải xử lý hành vi của các cá nhân có trách nhiêm đăng kiểm với các hành vi như thiếu trách nhiệm, tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không đảm bảo an toàn, LS Thư nói thêm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.