Phóng viên Thanh Niên đã đi dọc biên giới Hà Giang, ghi nhận công tác quản lý, bảo vệ biên giới của quân và dân, đặc biệt là lực lượng Bộ đội biên phòng Hà Giang.
Đó là mốc 172 giáp với Lào Cai và mốc 519/2 giáp với Cao Bằng.
Mốc đầu bên bờ sông chảy
Từ Hà Nội, chúng tôi đi xe giường nằm nguyên đêm lên tới TP.Hà Giang, sáng sớm tiếp tục theo xe của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang ngược lên miền Tây của tỉnh, là H.Xín Mần.
Đoạn sông Chảy từ mốc 172 Hà Giang đổ vào địa phận Lào Cai, ảnh chụp từ thôn Ma Lỳ Sán xuống |
Sau nửa ngày vật vã trên cung đường QL2 - 279 - đường tỉnh 178 và đường liên xã, chúng tôi cũng đến được Pà Vầy Sủ. Ông Lò Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Pà Vầy Sủ (H.Xín Mần), bảo: “Xã này hiểm trở nhất tỉnh, cả xã nằm trên sườn dãy núi Hoàng Vần Thùng với độ dốc từ 50 - 70°, độ cao trung bình 1.200 m so với mực nước biển, nên 98% dân số là đồng bào dân tộc Mông”. Ông Hiền khuyên: “Mốc 172 nằm tít dưới thôn Ma Lỳ Sán bên bờ sông Chảy, xuống khó mà lên lại cũng khó. Mưa, đi bộ cả ngày”.
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Đức Cường trò chuyện với bà con xã Pà Vầy Sủ |
Tính từ mốc giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc (còn gọi là mốc số 0, A Pa Chải) trên đỉnh núi Khoan La San (Tả Miếu, xã Sín Thầu, H.Mường Nhé, Điện Biên) về hướng đông, qua các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, thì mốc 172 là mốc giới đầu tiên, hiện do Đồn biên phòng cửa khẩu Xín Mần quản lý. Mốc 172 nằm bên bờ đông sông Chảy, bờ tây sông là thôn Lù Dì Sán (xã Sán Chải, H.Si Ma Cai, Lào Cai), phía bên Trung Quốc là trấn Chín Sang, H.Mã Quan, tỉnh Vân Nam.
Trước khi xảy ra dịch Covid-19, tại khu vực mốc 172 có chợ cuối tuần phục vụ cư dân 2 bên biên giới và bà con 2 xã của 2 tỉnh Hà Giang - Lào Cai, với cao điểm gần 70 hộ kinh doanh. Tuy nhiên, từ cuối 2019 đến nay, khu chợ này không hoạt động, các gian hàng phục vụ trao đổi hàng hóa bị bỏ hoang, cơ sở hạ tầng đang đầu tư xây dựng, đều xuống cấp.
Mốc giới số 172 là mốc đơn, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi có độ cao 225,84 m, tọa độ địa lý 22°42'40,112" vĩ độ Bắc - 104°20'32,578" kinh độ Đông. |
Nằm cạnh mốc 172 là Trạm kiểm soát biên phòng Pà Vầy Sủ (thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Xín Mần) mới được thành lập, xây dựng khang trang từ cuối năm 2017. Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Đức Cường năm nay 43 tuổi, quê ở Thanh Ba (Phú Thọ), công tác ở địa bàn Pà Vầy Sủ từ năm 2003. Vợ Cường là Đinh Thị Dung, hiện đang công tác tại Văn phòng Đảng ủy xã Pà Vầy Sủ. Gia đình nhỏ này, mấy năm nay ở 3 nơi: Cường ở trạm, vợ và con gái út ở nhà tập thể UBND xã, con trai đầu Trần Đức Phúc phải gửi về Thanh Ba nhờ họ hàng nuôi ăn học.
Ông Tráng Seo Pò, Phó chủ tịch UBND xã Pà Vầy Sủ, khi nói chuyện về thiếu tá Cường đã không ngớt thán phục. Ông bảo: “Cả 2 vợ chồng cùng dưới xuôi lên giúp người Mông. Trên này có những bộ đội như anh Cường, chúng tôi càng yên tâm bám trụ mốc giới đường biên”.
Mốc cuối giáp Cao Bằng
Mốc cuối của Hà Giang là 519/2 ở thôn Trà Mần, xã Sơn Vĩ (H.Mèo Vạc), giáp với xã Đức Hạnh (H.Bảo Lâm, Cao Bằng). Phía bên kia biên giới là thôn Suối Lủng (hương Bách Đô, H.Nà Pô, Quảng Tây, Trung Quốc).
Mốc giới số 519/2 là mốc đơn phụ, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao 1.251,23 m, tọa độ địa lý 23°07’03,209” vĩ độ Bắc - 105°33’45,512” kinh độ Đông. |
Từ trung tâm xã Sơn Vĩ chạy xe máy khoảng 10 km là ra tới thôn Trà Mần, nơi có mốc giới 519, 519/1, 519/2 giáp với Cao Bằng. Đại úy Nguyễn Văn Hoàn, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Sơn Vĩ, rành rẽ: “Đơn vị quản lý đoạn biên giới dài 17,457 km, từ mốc 491 - 213 m đến mốc 519/2 + 41 m, gồm 9 thôn bản giáp biên”, và cười: “Mốc này thuận lợi với đồn Sơn Vĩ nhưng lại rất khó đối với Đồn biên phòng Cốc Pàng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng”.
Thực tế, từ nhiều năm nay, 2 đồn biên phòng Sơn Vĩ (Hà Giang) và Cốc Pàng (Cao Bằng) thường xuyên tổ chức tuần tra chung, kết hợp phát quang đường thông tầm nhìn biên giới từ mốc 519 đến mốc 520. Trong các buổi tuần tra, 2 đơn vị đã trao đổi thông tin, đánh giá tình hình. Qua đó, giúp 2 đơn vị duy trì và quản lý chặt chẽ đường biên, mốc giới, trật tự an toàn xã hội giữa 2 địa phương.
(còn tiếp)
Bình luận (0)