COVAX khó đạt mục tiêu vì nhiều sáng kiến chia sẻ vắc xin Covid-19 cạnh tranh

14/07/2021 19:20 GMT+7

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết chương trình chia sẻ vắc xin COVAX đang gặp khó khăn trong việc đạt mục tiêu đề ra vì thiếu nguồn cung vắc xin Covid-19 và vì sự cạnh tranh giữa các cơ quan và các quốc gia trên thế giới.

Ngày 13.7, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho hay “sự khan hiếm nguồn cung” đang cản trở chương trình COVAX trong việc đáp ứng các mục tiêu phân phối vắc xin.
“Nhiều quốc gia đã ủng hộ COVAX, nhưng trong đó nhiều nước lại chuyển vắc xin cho nơi khác mà không phải COVAX và đó là lý do tại sao COVAX gặp khó khăn trong việc hoạt động theo mục tiêu ban đầu”, bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh.
Chương trình COVAX do sáng kiến vắc xin GAVI chủ trì, hợp tác với các đối tác gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNICEF và Chương trình Lương thực Thế giới, nhằm đảm bảo đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp 2 tỉ liều vắc xin Covid-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp.

Một chuyến bay giao vắc xin Covid-19 của chương trình chia sẻ vắc xin COVAX

Reuters

Đến cuối tháng 6.2021, COVAX đã chuyển giao 90 triệu liều vắc xin Covid-19 cho 132 quốc gia kể từ khi khởi động chương trình vào tháng 2.2021.
Sáng kiến này phần lớn bị ảnh hưởng vì thách thức từ nguồn cung, đặc biệt là lệnh cấm xuất khẩu vắc xin của Ấn Độ - một trong những nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới.
Liên minh vắc xin GAVI gần đây ước tính sẽ có thể chuyển giao 1,8 tỉ liều vắc xin cho các nền kinh tế có thu nhập thấp trong quý đầu năm 2022.
Các chuyên gia y tế và WHO liên tục cảnh báo nạn bất bình đẳng vắc xin đang lan rộng. Hiện nhiều quốc gia đã phát triển đã tiêm ngừa Covid-19 cho phần lớn dân số trưởng thành trong khi các quốc gia đang phát triển vẫn chật vật tìm kiếm nguồn cung vắc xin Covid-19.

COVAX chẳng nhận được liều vắc xin Covid-19 nào cho nước nghèo trong tháng 6.2021

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.