Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại thị trấn Trương Dịch, tỉnh Cam Túc ngày 29.10 |
afp |
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 30.10 thông báo đã ghi nhận tổng cộng 377 ca nhiễm Covid-19 nội địa trong giai đoạn từ ngày 17 - 29.10, theo Reuters. Đây được cho là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ đợt dịch hồi tháng 7 tại tỉnh Giang Tô.
Người phát ngôn NHC Mễ Phong thông báo trong 14 ngày qua, cơ quan chức năng ghi nhận các ca nhiễm nội địa có và không có triệu chứng tại 14 tỉnh và đợt bùng phát này vẫn đang phát triển nhanh, “tình hình kiểm soát virus nghiêm trọng và phức tạp”.
Quan chức Ngô Lương Hữu thuộc NHC cho rằng đợt dịch đã phơi bày sự lơ là của giới chức tại một số địa phương. Ví dụ tại thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang giáp Nga, ngày 27.10 chỉ có 1 ca nhiễm nhưng ngày 28.10 có 9 ca và ngày 29.10 có 26 ca.
Singapore phát hiện ca Delta Plus đầu tiên, ít nhất 42 nước ghi nhận biến chủng |
Ông Ngô kêu gọi tăng cường xét nghiệm sàng lọc người có nguy cơ nhiễm cao, cải thiện việc giám sát các đợt bùng phát tiềm tàng, đặc biệt là tại các cửa khẩu khi dịch bệnh đang lây lan tại các nước xung quanh.
Ông Ngô dẫn kết quả phân tích virus nói rằng cụm lây nhiễm tại Hắc Hà không liên quan đến đợt bùng phát đang diễn ra ở vùng tây bắc Trung Quốc, cho thấy khả năng nguồn khởi phát có thể từ nước ngoài. Trước đó, NHC cũng thông báo nhiều ca nhiễm trong đợt bùng phát từ ngày 17.10 có thể liên quan đến nguồn lây từ nước ngoài.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin Covid-19 nhắc lại tại Bắc Kinh ngày 29.10 |
reuters |
Hiện tại, nhiều địa phương đã ban hành các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn dịch lây lan. Tại Bắc Kinh, nhà chức trách ra lệnh đóng cửa toàn bộ rạp chiếu phim đến ngày 14.11 tại quận Tây Thành, nơi có hơn 1 triệu cư dân. Một nửa chuyến bay đi khỏi Bắc Kinh bị hủy trong ngày 29.10, theo AFP. Người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà trừ trường hợp cực kỳ cần thiết.
Khoảng 6 triệu dân tại các thành phố có dịch đang phải chịu các biện pháp hạn chế đi lại. Các tuyến đường sắt qua những vùng có dịch bị tạm ngừng hoặc giới hạn số tuyến.
Đợt bùng phát diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc sắp tổ chức Thế vận hội mùa đông vào tháng 2.2022. Các vận động viên và nhân viên hỗ trợ sự kiện phải được tiêm vắc xin tăng cường. Vận động viên nước ngoài được khuyến cáo tiêm liều tăng cường nhưng không bắt buộc. Đến nay, Trung Quốc đã tiêm đủ vắc xin cho khoảng 75,8% dân số. Một số nhóm đang được tiêm nhắc lại trong khi chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 3 - 11 tuổi được kỳ vọng kết thúc vào cuối năm nay.
Bình luận (0)