Covid-19 'nóng' lên từng ngày ở Hà Nội

21/11/2021 06:07 GMT+7

Từ đầu tháng 11 tới nay, Hà Nội đã ghi nhận khoảng 3.000 ca dương tính, gần bằng tổng số ca tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến hết tháng 10. Dịch tại Hà Nội đang nóng lên từng ngày khi số ca cộng đồng tăng cao, liên tục phát sinh các ổ dịch không rõ nguồn lây.

Ca cộng đồng tăng vọt

Ngày 4.11 có thể xem như khởi điểm cho thấy tình hình dịch tại Hà Nội căng thẳng trở lại, với 104 ca trong ngày nhưng có tới 64 ca cộng đồng. Tính đến chiều 19.11, Hà Nội ghi nhận 2.700 ca mắc mới, tính trung bình 180 ca/ngày, là số mắc trung bình cao nhất của Hà Nội tính cả 4 đợt dịch. Đáng chú ý, số ca cộng đồng ghi nhận lên tới 905 ca, chiếm trung bình 30% tổng số ca mắc.

Phong tỏa tạm thời cụm dân cư thuộc P.Nguyễn Du (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Đậu Tiến Đạt

Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện mỗi ngày đều liên tục phát đi thông báo khẩn tìm người đến các địa điểm có F0. Tính từ 31.10 tới nay, Hà Nội đang ghi nhận 14 ổ dịch hoạt động phức tạp, trong đó chỉ riêng 3 ổ dịch lớn là chợ Ninh Hiệp (H.Gia Lâm), thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, H.Mê Linh) và P.Phú Đô (Q.Nam Từ Liêm) tới nay đã ghi nhận gần 800 ca dương tính.

4 quận trung tâm Hà Nội không được cách ly F1 tại nhà

Thông tin với cử tri chiều 19.11, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết qua theo dõi số liệu cho thấy từ khi thiết lập trạng thái thích ứng linh hoạt, tỷ lệ F1 trở thành F0 đã tăng lên, chiếm khoảng 13%, trong khi giai đoạn trước chỉ 7 - 8%.

Tín hiệu tích cực là tỷ lệ tiêm vắc xin của Hà Nội thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, trong đó gần 94% người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1, trên 83% được tiêm mũi 2. Theo mô hình tháp 3 tầng điều trị, Hà Nội có 1.635 ca thể nhẹ, không triệu chứng; 405 ca ở tầng 2; 11 ca ở tầng 3, tức bệnh nhân nặng chỉ chiếm 0,5%. Tuy nhiên, số ca cộng đồng tại Hà Nội tăng cao, đặc biệt các ca qua sàng lọc ho, sốt không rõ nguồn lây cho thấy nếu không sớm có biện pháp ứng phó, nguy cơ bùng dịch tại Hà Nội là rất lớn.

Cần sớm điều trị F0 nhẹ tại nhà

Ông Chu Ngọc Anh cho biết Hà Nội cũng có phương án đáp ứng điều trị cho khoảng 100.000 bệnh nhân thể nhẹ, trong đó TP đáp ứng một nửa, còn lại do các quận, huyện phụ trách.

Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19, cho biết bệnh viện đang có khoảng 130 F0 điều trị. Theo kịch bản, bệnh viện có 3 giai đoạn công suất: 100 F0 - 200 F0 - 500 F0. Hiện tại, bệnh viện trong giai đoạn 2 với công suất tối đa 200 bệnh nhân điều trị cùng lúc. “Số lượng F0 điều trị đang tăng lên rất nhanh từng ngày, mỗi ngày chúng tôi đón vài chục F0, ngoài ra cũng cho ra viện khoảng vài chục bệnh nhân khỏi bệnh. Bệnh viện không chỉ bố trí đủ giường bệnh mà còn phải đáp ứng đủ đội ngũ y bác sĩ”, ông Hải nói.

Đáng chú ý, theo PGS-TS Hải, 80% bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện là F0 thể nhẹ không triệu chứng. Theo ông, Hà Nội nên sớm có phương án cho phép điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Lý do, Hà Nội có tỷ lệ tiêm vắc xin 2 mũi cho người dân rất cao, vì thế rất nhiều người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng hoặc tải lượng vi rút rất nhẹ.

“Những F0 nhẹ này có thể điều trị tại nhà để giảm tải cho hệ thống y tế, tránh bị quá tải khi bệnh nhân tăng nhanh. Do tải lượng vi rút thấp nên các F0 này cũng như người bình thường khỏe mạnh, nếu bị “nhốt” quá lâu trong viện không chỉ căng thẳng tâm lý mà còn gây áp lực cho công tác hậu cần”, bác sĩ Hải đề xuất.

Ông phân tích thêm: “Cần phân luồng điều trị F0 để giảm tải dần áp lực cho hệ thống các bệnh viện, vì ngoài bệnh nhân tại Hà Nội, chúng tôi còn phải điều trị cho bệnh nhân nặng các tỉnh phía bắc chuyển về. F0 thể nhẹ điều trị tại nhà, còn F0 có triệu chứng hoặc nguy cơ, bệnh nền thì đưa vào viện điều trị”.

Tỉ lệ F1 ở Hà Nội chuyển thành F0 mắc Covid-19 tăng lên tới 13%

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh phía đông bắc

Theo CDC Thái Bình, tính từ 16 giờ ngày 19.11 đến 16 giờ ngày 20.11, toàn tỉnh Thái Bình đã phát hiện 51 ca mắc Covid-19 mới, giảm 48 ca so với ngày 19.11. Trước đó, riêng trong ngày 19.11, tỉnh này đã ghi nhận đến 99 ca F0, trong đó đáng chú ý là 53 ca F0 của cùng ổ dịch bùng phát tại xã Đông Mỹ (TP.Thái Bình).

Được biết, ổ dịch trên thuộc thôn An Lễ, tập trung ở 3 khu nhà trọ của công nhân. Khu nhà trọ trên nối liền với một khu dân cư, chỉ có một lối vào nên khu vực này đã được thực hiện xét nghiệm diện rộng bằng test nhanh kháng nguyên. Bên cạnh đó, chính quyền TP.Thái Bình cũng đã cho lập chốt kiểm soát để quản lý di biến động dân cư tại khu vực này.

Như vậy, tính từ 10 - 20.11, Thái Bình đã ghi nhận đến 760 ca mắc Covid-19. Tại Hà Nam, trong ngày 20.11 có thêm 23 ca nhiễm Covid-19. Tính từ 19.9 đến 20.11, Hà Nam đã có 1.228 ca nhiễm. Đáng chú ý, ngày nào địa phương này cũng có ca nhiễm Covid-19. Tại Nam Định, cơ quan chức năng cũng ghi nhận tới 69 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 20.11. Trong khi đó, số ca F0 được ghi nhận trong ngày 20.11 tại Hải Dương là 14 ca. Như vậy, từ 12.10, Hải Dương ghi nhận 384 ca nhiễm Covid-19.

Lê Tân

Hà Nội xây dựng kịch bản 100.000 ca bệnh

TP.Hà Nội đã giao Sở Y tế và các đơn vị xây dựng kịch bản khi có 100.000 ca bệnh và đề nghị cần chủ động chuẩn bị cho tình huống này. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch hôm qua (20.11), ông Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết TP thống nhất không cách ly tập trung F1 tại 4 quận lõi là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Các quận, huyện còn lại xây dựng phương án cách ly với F1, trước tiên là cách ly tập trung, phương án 2 là cách ly tại cơ sở lưu trú hoặc cách ly tại nhà. Phó bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết nếu xuất hiện 30.000 ca bệnh trở lên, TP sẽ chia ra 4 cấp độ điều trị cho F0, gồm bệnh viện TP là cấp độ 1; bệnh viện tuyến quận, huyện là cấp 2; trung tâm y tế phường, xã, thị trấn là cấp 3; cấp độ 4 là khi đã quá tải, điều trị tại nhà.

TP cũng đã giao Sở Y tế nghiên cứu thí điểm điều trị F0 thể nhẹ tại nhà. Với việc học sinh đến trường trở lại, ông Phong yêu cầu nghiên cứu sớm cho học sinh lớp 12 được đến trường trực tiếp, không chờ đợi tiêm vắc xin xong mới đi học. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết các quận, huyện đã rà soát, lập danh sách thành lập các khu cách ly tập trung nhằm nâng công suất lên 100.000 chỗ cách ly.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.