Covid-19 và nụ cười của mẹ

12/03/2021 05:54 GMT+7

Nhìn mẹ cười, nụ cười méo một bên, nhưng với tôi, đó là nụ cười đẹp nhất trong cuộc đời này...

1. Ngày mẹ tôi, cụ bà Lê Thị Ảnh (79 tuổi), đổ bệnh nặng, trên xe cấp cứu, các anh em nước mắt lăn dài. Cháu con vội vã gọi điện thoại cho nhau. Cố giấu nước mắt trong lòng. Những trao đổi ngắn ngủi, đứt quãng, động viên và dặn dò nhau nếu điều buồn nhất có thể xảy đến.
Mẹ được cấp cứu. Mẹ hôn mê sâu, phải nằm bất động ở phòng hồi sức tích cực, cùng mớ dây nhợ chằng chịt kết nối các thiết bị y tế chuyên dụng... Con cháu khắp nơi bồn chồn, nghẹt thở chờ tin...
Vài ngày sau mẹ tỉnh, cử động được, nhưng sự sống như sợi chỉ mỏng manh. Các y bác sĩ tiếp tục nỗ lực hồi sức, chữa trị...
Trải qua cơn “thập tử nhất sinh” khiến mẹ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Khuôn mặt phúc hậu hiền lành đã trở nên khó biểu hiện cảm xúc, khó khăn trong ăn uống, giao tiếp.
Mẹ thường thều thào trong khó nhọc, rằng gần 3 tháng nằm viện, mẹ buồn lắm. Mẹ nhớ nhà. Mẹ nhớ từng đứa...
2. Tết năm nào cũng vậy, con cháu khắp nơi về quê sum vầy. Vì cháu con nào cũng khắc ghi lời mẹ hay căn dặn, rằng tết là dịp đoàn viên.
Nhưng năm nay khác. Mẹ bệnh, phải đón tết trong bệnh viện. Dịch Covid-19 hoành hành khắp cả nước, xuất hiện ở cả Gia Lai, nơi các em đang sinh sống. Người ở Pleiku, người ở Krông Pa, 2 địa phương cùng “nóng” vì Covid-19 dịp cận tết. Để rồi những dự định, những ước ao của các anh em được về quê đón tết, thăm mẹ, phải trì hoãn. Dẫu rất muốn, nhưng chẳng thể nào về. Đành gói ghém khát khao sum vầy ngày tết và nỗi nhớ mẹ đến quay quắt trong những giọt nước mắt...
Mẹ biết những điều đó, nên gắng gượng, thều thào trong khó nhọc vào tai tôi, dặn hãy nhắn nhủ với các anh em, rằng: “Mẹ không sao đâu. Các con đừng có lo. Mẹ nghe dịch bệnh nguy hiểm lắm. Đừng tự tiện về. Phải chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 của nhà nước. Phải có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội. Đừng vì lợi ích cá nhân, muốn về thăm mẹ mà vô tình làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Hãy chờ hết dịch rồi về thăm mẹ”...
3. Những ngày cạn chạp, các thành viên trong gia đình lập nhóm trò chuyện trên Facebook. Mọi người liên tục gọi video để thăm hỏi sức khỏe, chuyện lo tết, để được nhìn nhau cho nguôi đi nỗi nhớ người thân. Hơn hết, để được nhìn mẹ, chúc mẹ bình an, sống thọ.
Sáng mùng 1 tết, trên giường bệnh, mẹ nhìn cháu con quây quần trong màn hình điện thoại. Mẹ nở nụ cười trìu mến thật đẹp. Nụ cười hiển hiện sau chuỗi ngày chiến đấu với tử thần, với những cơn bạo bệnh.
Khoảnh khắc ấy, hình như ai nấy cũng đều bật khóc. Những giọt nước mắt lăn dài trên má từng người. Nụ cười hiền hậu dành cho con cháu hàng chục năm qua, đã trở nên méo mó. Nhưng với tôi, với các thành viên trong gia đình, với những đứa cháu của mẹ, đó là nụ cười đẹp nhất trong cuộc đời.
Là bởi, dù đối diện với những khổ ải trần ai vì những cơn đau nhức liên hồi, nhưng mẹ vẫn gắng nở nụ cười thật tươi, để truyền năng lượng, lan tỏa những điều tích cực cho con cháu.
Là bởi, trong nụ cười của mẹ toát lên quyết tâm, khát khao được sống. Tưởng chừng cơ thể gầy yếu, teo tóp của mẹ không thể cầm cự được hàng tá bệnh bủa vây, nhưng mẹ vẫn gắng gượng hằng ngày. Đôi bàn tay mẹ một đời làm lụng vất vả mưu sinh để nuôi con cháu khôn lớn, giờ đã nhăn nheo, thế nhưng vẫn cố gắng chịu đau với hàng trăm lần bị kim tiêm chích vào lấy máu, truyền thuốc... Tất cả chỉ để có cơ hội được sống dài lâu với con cháu, để được nhìn cháu con trưởng thành.
Tôi sẽ lưu mãi hình ảnh mẹ nở nụ cười đẹp nhất ấy. Không những để tôi biết trân trọng cuộc sống này hơn, mà là để mỗi lần nếu cảm thấy mệt mỏi, chán chường, bế tắc trong cuộc sống, tôi sẽ ngắm nhìn, soi rọi lại chính bản thân, để có thêm động lực vượt qua những chông chênh trong cuộc đời.
Mẹ đã cười, đã không gục ngã, không bỏ cuộc trước những cơn đau giày xéo cơ thể. Thì tôi và mọi người trong gia đình cũng sẽ không để bị khuất phục bởi những khó khăn, nghịch cảnh.
4. Khoảnh khắc mẹ nở nụ cười đẹp nhất ấy, cho tôi niềm tin, rằng tôi sẽ còn được nhìn mẹ cười nhiều, thật nhiều những nụ cười đẹp từ mẹ. Mẹ sẽ vượt qua được lằn ranh sinh tử mỏng manh, sống thật lâu với con cháu.
Nghĩ về mẹ, tôi bất giác liên tưởng. Dịch giã dẫu đã và đang hoành hành với những diễn biến khó lường đi chăng nữa, nhưng có thể sẽ giống như những cơn đau đã từng hành hạ mẹ. Rồi một ngày, thật gần, sẽ nguôi ngoai, được ngăn chặn và dừng hẳn.
Và nhìn cách đồng bào cả nước đang cùng đồng lòng chống dịch bằng sự quyết tâm cao độ, mạnh mẽ, tôi có niềm tin, thật nhanh thôi, Việt Nam sẽ vượt qua được Covid-19.

Cuộc thi viết “vượt qua covid-19”

Từ những kết quả quan trọng của việc tích cực phòng chống Covid-19 trong năm 2020 và trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả - vừa duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế”. Để cổ vũ, đồng hành cùng Chính phủ, các cấp chính quyền và cộng đồng, doanh nghiệp, góp phần vào việc hoàn thành có kết quả mục tiêu kép này, Báo Thanh Niên tổ chức cuộc thi viết chủ đề “Vượt qua Covid-19”.
Cuộc thi viết “Vượt qua Covid-19” dành cho mọi công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam (thành viên ban giám khảo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Thanh Niên; cán bộ, công nhân viên đơn vị tài trợ không được tham gia cuộc thi).
Mỗi tác giả (cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp) có thể gửi nhiều bài dự thi (không hạn chế số lượng bài dự thi).
Bài dự thi về cuộc thi viết “Vượt qua Covid-19” không dài quá 1.000 chữ, kèm hình ảnh liên quan đến nội dung (nhân vật, câu chuyện, vấn đề...) mà bài viết đề cập. Bài viết sử dụng ngôn ngữ trong sáng, phù hợp với thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật Việt Nam.
Bài viết có thể là chuyện kể, ghi chép lại ý thức, kinh nghiệm, cảm xúc… của bản thân trong việc hưởng ứng lời kêu gọi đồng hành, tích cực phòng chống và vượt qua đại dịch Covid-19 nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bài viết cũng có thể là sự ghi nhận, cổ vũ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chung sức chung lòng, tương trợ nhau cùng ổn định cuộc sống, việc làm; chia sẻ khó khăn với các cấp chính quyền, cộng đồng, doanh nghiệp trong bối cảnh đối mặt và bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bài viết cũng có thể là câu chuyện cụ thể của cá nhân, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp có đóng góp công sức và trí tuệ, nỗ lực gợi mở và tìm tòi, đề xuất, thực hiện những kế hoạch, giải pháp sáng tạo, công việc hiệu quả trên các lĩnh vực trong bối cảnh phải thích ứng và vượt qua đại dịch trong năm 2020 và trong trạng thái bình thường mới của năm 2021.
Bài viết dự thi phải ghi rõ: họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, giới tính, nghề nghiệp, địa chỉ liên hệ hoặc e-mail, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm, nhưng phải thống nhất họ tên hoặc bút danh.
Bài viết dự thi gửi qua e-mail của chương trình: [email protected].
Bài viết dự thi cũng có thể gửi bằng đường bưu điện về tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi “Vượt qua Covid-19”).
Thời hạn gửi bài dự thi: Từ khi chương trình công bố đến hết ngày 30.6.2021 (theo thời gian hiển thị trên email hoặc dấu bưu điện).
Tổng giải thưởng: 100 triệu đồng.
• 1 giải nhất: Trị giá 20.000.000 đồng.
• 2 giải nhì: Mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
• 3 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
• 5 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
• 1 giải Bài viết được bạn đọc yêu thích nhất (bài có số lượt like cao nhất trên Thanh Niên Online): Trị giá 5.000.000 đồng.
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.