CSGT TP.HCM lập chốt đo nồng độ cồn: 'Không phiền, các anh cứ làm thường xuyên'

04/04/2022 08:08 GMT+7

Nhiều người ủng hộ việc CSGT TP.HCM lập chốt đo nồng độ cồn, triển khai thường xuyên để tài xế không sử dụng rượu bia khi lái xe.

Tối 3.4, Đội CSGT Nam Sài Gòn thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM tổ chức lực lượng thực hiện chuyên đề đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế tại đoạn gần ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập (Q.7).

Theo ghi nhận của Thanh Niên, lượng xe ô tô di chuyển qua khu vực này thưa thớt. Khi đến chốt đo nồng độ cồn, đa phần tài xế đều chấp hành tốt hiệu lệnh của tổ công tác.

CSGT Nam Sài Gòn lập chốt đo nồng độ cồn

BÍCh Ngân

Chia sẻ với chúng tôi, các tài xế cho biết rất ủng hộ việc CSGT TP.HCM lập chốt đo nồng độ cồn, cũng như xử phạt nghiêm tài xế sử dụng rượu, bia, chất kích thích mà vẫn lái xe gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

"Không phiền hà đâu, các anh cứ làm thường xuyên!"

Khoảng 20 giờ 45, anh P.Đ.P (36 tuổi, quê Long An) chạy xe ô tô di chuyển theo hướng từ đường Nguyễn Thị Thập đi Nguyễn Lương Bằng (Q.7) thì được Đội CSGT Nam Sài Gòn dừng xe đo nồng độ cồn quốc tế.

Khu vực lập chốt đo nồng độ cồn

Bích ngân

Do tổ công tác triển khai đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế nên ban đầu khi kiểm tra bằng máy đo cảm biến, trường hợp anh P. máy đo hiển thị "Cảnh báo". Cán bộ yêu cầu anh P. tấp xe vô lề thổi vào máy đo nồng độ cồn chuyên dụng để phát hiện mức nồng độ cồn. Tuy nhiên qua kiểm tra, thiết bị hiển thị thông số cho thấy anh P. không có nồng độ cồn trong hơi thở.

CSGT phổ biến cách thức đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế cho người dân hiểu

Bích ngân

Theo quan sát của chúng tôi, quá trình làm việc với CSGT, anh P. vui vẻ chấp hành tốt hiệu lệnh. Anh P. cho biết: "Tôi thấy dừng xe đo nồng độ cồn nhanh, đâu có phiền hà gì. Tôi ý thức được mức xử phạt cũng như sự nguy hiểm khi lái xe mà sử dụng rượu bia nên hoàn toàn ủng hộ CSGT làm các chuyên đề đo nồng độ cồn như thế này. Việc làm này là cần thiết nên tôi mong CSGT làm thường xuyên để anh em tài xế biết sợ mà tránh vi phạm".

Mức xử phạt hành chính lỗi nồng độ cồn vượt mức

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn trong cơ thể có thể bị xử phạt tối đa đến 8 triệu đồng (đối với xe gắn máy); đến 40 triệu (đối với xe ô tô) và bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, đồng thời phương tiện bị tạm giữ 7 ngày.

Nhiều vụ tai nạn do tài xế say xỉn gây ra

Khoảng chừng 10 phút sau, anh K.H (quê Bình Định) lái xe ô tô chở gia đình di chuyển qua chốt, được yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Thời điểm kiểm tra, anh H. không có nồng độ cồn trong hơi thở.

Anh H. chia sẻ: "Thời gian qua có rất nhiều vụ tai nạn giao thông, trong đó nhiều vụ việc thương tâm do tài xế say xỉn gây ra, nên tôi rất ủng hộ CSGT lập chốt kiểm tra để tài xế biết sai mà tránh vi phạm. Tài xế say xỉn không chỉ ảnh hưởng chính họ mà còn ảnh hưởng đến người khác. Anh em tài xế đã sử dụng rượu, bia thì không nên lái xe".

Đa phần tài xế đều chấp hành tốt quy định không sử dụng rượu, bia khi lái xe

Bích ngân

Sau khoảng 45 phút lập chốt đo nồng độ cồn, Đội CSGT Nam Sài Gòn đã kiểm tra khoảng 50 lượt phương tiện.

Liên quan vấn đề đo nồng độ cồn, tối cùng ngày (3.4), trao đổi với Thanh Niên, đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM cho biết từ ngày 1.1.2022 đến nay, lực lượng CSGT TP.HCM đã xử phạt 8.945 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, CSGT xử phạt 40 trường hợp xe ô tô và 8.805 trường hợp xe mô tô.

Kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế là gì?

Mô hình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế là phương pháp được triển khai áp dụng từ năm 2014. Mô hình này giúp CSGT kiểm tra được nhiều người điều khiển phương tiện hơn mà không bị dồn ứ.

Trước đây, CSGT dùng máy đo nồng độ cồn cũ phải yêu cầu tài xế xuống xe thổi vào máy đo nồng độ cồn ở chế độ định lượng mới có thể phát hiện, nên mất nhiều thời gian và số lượng người được kiểm tra ít hơn. Trong khi đó, việc kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế chỉ cần tài xế dừng xe vào làn đường kiểm tra, không cần xuống xe, nhìn CSGT trả lời một số câu hỏi như: “Anh chạy xe có mang theo giấy tờ không?”, “Quê anh ở đâu?”, hoặc đếm từ 1 - 5 là máy đo nồng độ cồn trên tay CSGT sẽ xác định được có vi phạm về nồng độ cồn hay không. Nếu không vi phạm, CSGT sẽ cảm ơn và mời người chạy xe tiếp tục lưu thông. Trường hợp phát hiện có vi phạm, máy sẽ hiện dòng chữ “Cảnh báo”. Lúc này tài xế sẽ được yêu cầu xuống xe thổi vào máy đo nồng độ cồn chuyên dụng để xác định được cụ thể mức độ vi phạm. Nhiều trường hợp tài xế ô tô khi nói chuyện với CSGT máy báo “Cảnh báo” nhưng khi kiểm tra định lượng để xác định mức độ vi phạm thì không có cồn. CSGT giải thích, đây có thể là do xe đang chở người có sử dụng rượu, bia hoặc có mùi rượu, bia. Còn trong tình hình dịch Covid-19, có thể do người trên xe sử dụng nước rửa tay có chất cồn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.