19 năm vào ngành, nhưng có lẽ 19.8 năm nay là ngày kỷ niệm lực lượng đặc biệt nhất với thiếu tá Lê Hoàng, cán bộ đội CSGT – TT Công an Q.Tân Bình và đồng nghiệp. Hơn 2 tháng TP.HCM căng mình chống dịch Covid-19 là ngần đó thời gian anh chưa được về nhà, chưa được gặp gia đình. Sau cuộc điện thoại về cho con là những giọt nước mắt của người làm cha lăn dài trên gương mặt, nỗi lo toan những ngày này càng thêm chất chồng khi ba anh ở nhà cũng vừa nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Bật khóc vì nhớ con
Để tăng cường lực lượng và đảm bảo an toàn phòng dịch, CSGT – TT Công an Q.Tân Bình được huy động trực 100%. Sau giờ trực ở chốt kiểm soát hay tuần tra trên đường, cán bộ chiến sĩ về nghỉ tại nhà tập thể của đơn vị, luôn trong tâm thế sẵn sàng được điều động.
|
Tối 17.8, vừa tuần tra về tới đơn vị, mồ hôi còn ướt sũng lưng áo vàng, anh kéo vội chiếc ghế gần bãi xe ngồi gọi video về cho con.
Vừa nghe máy, bé Bin (3 tuổi) thắc mắc:
- Ba nói mai ba về sao ba chưa về. Ba nói ba về ba đưa con đi chơi mà.
Nhìn chăm chăm vào màn hình, anh động viên con:
- Từ từ hết dịch ba về nha. Con ăn cơm chưa?...
|
|
Sau một hồi, anh tiếp tục hứa với con trai “mai ba về”, dù đã rất nhiều lần hứa mai, cậu bé tạm yên tâm ngồi xem ti vi. Anh hỏi thăm vợ về sức khỏe của ba, mẹ, của từng thành viên trong gia đình rồi động viên vợ: “Giờ gia hạn thêm Chỉ thị 16, đến 15.9 đó, trực chiến 100% mà, thôi ráng đi, qua dịch nha”.
PV hỏi cảm xúc sau mỗi cuộc điện thoại với gia đình, anh im lặng nhìn xa xăm, cau mày, cố gắng kìm lại những giọt nước mắt đang chực rơi: “Hai đứa nhỏ đứa nào cũng nói nhớ ba, mình cũng rất nhớ nó nhưng không còn cách nào để về, chỉ nhìn vô màn hình. Trẻ thì nó vô tư, mình ở đây, chỉ khóc thôi… Nhiều khi bé út 3 tuổi đòi ba rồi khóc, mình lại nói mai ba về, bé 5 tuổi thì hiểu chuyện hơn, dỗ em nín. Thương lắm nhưng mình là CSGT, trong lúc này phải vì người dân, vì cộng đồng làm các công tác cho qua mùa dịch này”.
19.8 – ngày đặc biệt của ngành
Thiếu tá Lê Hoàng cho biết, gần 20 năm vào ngành, đây là thời gian anh phải xa gia đình lâu nhất. Ngay lúc dịch giã căng thẳng, anh căng mình tuần tra kiểm soát trên đường dưới nắng gắt, kiểm tra giấy tờ người đi đường. Hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều người, ngoài mang khẩu trang, bao tay, anh cũng liên tục xịt khuẩn cho mình và đồng nghiệp vì chẳng biết ai là F0.
|
Cũng vì dịch, các chốt kiểm soát được lập nên để kiểm soát người dân ra đường không lý do nên công việc của thiếu tá Lê Hoàng lại bận rộn hơn. Những ngày gần đây, anh trông phờ phạc hơn vì những ca tuần tra liên tục và cả những nỗi lo. Anh kể, vài hôm trước nhận tin cha dương tính Covid-19, vừa xuống ca anh vội chạy đi mua một số loại thuốc, nước súc miệng, mang về tới đầu ngõ gọi em trai ra lấy chứ không vào nhà được. Cảm giác lúc đó thật khó nói thành lời…
|
“Người lớn tuổi chẳng may nhiễm thường bị tâm lý, nên tôi động viên ba thường xuyên để giữ tâm lý, chịu khó ăn uống tăng thêm sức đề kháng. Giờ ba mình bệnh vậy không về được mình cũng buồn lắm, nhưng công việc chính của mình lúc này là góp sức để ngăn dịch lây lan. Do vậy, tôi cứ phải bình tĩnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, rồi động viên người nhà”, anh chia sẻ.
Thiếu tá Lê Hoàng chính là CSGT đã lặng người vì xúc động, động viên và chia sẻ với anh Lê Đình Vân - người cha chở bình oxy cứu con ngay trong đêm đầu tiên TP.HCM hạn chế người ra đường sau 18 giờ. Đây cũng là trường hợp khiến anh nhớ nhất trong những ngày đặc biệt này ở TP.HCM.
|
Mới đây, khi gặp lại PV, anh mới tâm sự: “Nhìn anh Vân đưa tấm ảnh cậu con trai đang nằm cạnh bình oxy mà đau nhói lòng, mình cũng làm cha, nhìn thấy vậy xúc động lắm. Sau đêm đó tôi có gọi điện thoại động viên anh Vân cố gắng, gửi lời hỏi thăm sức khỏe tới con trai anh. Cả tổ tuần tra kiểm soát muốn đến thăm nhưng lúc này thì không thể, mong rằng khi tình hình dịch ổn định, chúng tôi sẽ đến thăm gia đình anh Vân”.
|
Trước đó, vào ngày 16.7, thiếu tá Lê Hoàng cùng tổ công tác của CSGT – TT Công an Q.Tân Bình dù đã thổi phạt N.B.H (24 tuổi, làm nghề bảo vệ) vì không có bằng lái xe, nhưng đã nhắc nhở mời H. tiếp tục lưu thông sau khi hỏi thăm hoàn cảnh. Hôm đó, H. cho biết đã ăn mì hơn 1 tháng trời, đi đôi dép rách quai, mắt đỏ hoe và trên xe vẫn còn treo 2 ly mì cho bữa ăn tối.
Ngày nào cũng bị cuốn vào công việc, vào các ca tuần tra trên đường, anh Hoàng cho hay, lúc này, đường phố đã dần đông đúc hơn, anh và đồng đội chỉ mong sớm hết dịch để cuộc sống trở về bình thường, và những người làm nhiệm vụ được về với gia đình.
|
“Công việc này cứ lu bu, mình làm riết tới tối, không có thời gian. Sau một ca trực xong về tới đơn vị là mệt rã rời, nhiều hôm cũng không gọi về cho con được”, anh thừa nhận.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (vợ thiếu tá Lê Hoàng) hiện công tác tại BV Q.Tân Phú cho biết, những ngày này chị đang tạm nghỉ 14 ngày ở nhà để chăm ba chồng cách ly tại nhà. Trước đó, 2 tháng chồng không về nhà, BV của chị có nhiều ca Covid-19 nặng nên chị cũng tất bật.
|
Theo lời chị Thủy, anh Hoàng luôn là người chủ động gọi về cho vợ con, mỗi lần thấy ba gọi, hai đứa nhỏ lại đòi ba về. “Nhiều ngày anh làm mệt không gọi về nhà, có chuyện gấp lắm tôi mới gọi chồng. Khi nghe tin ba bệnh, anh cũng rối và lo lắng nhiều, vậy nhưng vẫn trấn an vợ bình tĩnh, xử lý từng chuyện một. Lúc này, tôi cũng mong TP.HCM hết dịch để cả 2 vợ chồng có nhiều thời gian hơn bên gia đình, con nhỏ”, chị Thủy bày tỏ.
Bình luận (0)