CSGT TP.HCM lên tiếng việc kiểm tra nồng độ cồn, xử phạt người nhậu thế nào?

06/11/2018 08:36 GMT+7

Tại TP.HCM vừa qua xảy ra vụ tai nạn giao thông thương tâm do tài xế nhậu say gây ra, trong đó có vụ nữ tài xế tông nhiều xe ngay tại Hàng Xanh. Vậy CSGT TP.HCM giải quyết tình trạng ma men trên đường như thế nào?

PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với Trung tá Nguyễn Trọng Sơn. Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông (PC08), Công An TP.HCM về các vấn đề có liên quan đến việc xử lý, kiểm tra nồng độ cồn các phương tiện trên địa bàn thành phố.
Xin ông cho biết về kế hoạch triển khai kiểm tra nồng độ cồn của đơn vị trong thời gian vừa qua diễn ra như thế nào? Ngoài những chốt đã lên kế hoạch sẵn thì các đội có tổ chức kiểm tra lưu động không?
Căn cứ tình hình tại địa bàn đảm trách, các đơn vị chủ động xây dựng phương án tối ưu tập trung kiểm tra, xử lý lái xe sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn quy định vào các ngày trong tuần, lực lượng CSGT thực hiện tuần tra kiểm soát khép kín có kết hợp hóa trang tập trung, xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn tại các khu vực và các tuyến đường xung quanh có tập trung đông các hàng quán, nhà hàng có kinh doanh thức uống có cồn trên địa bàn đảm trách.

Hàng tuần, tùy theo tình hình thực tế các đơn vị tổ chức rà soát, tiến hành kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế tại các tuyến đường phù hợp cho việc bố trí mô hình kiểm tra, các tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt vào các ngày cuối tuần.
Mô hình kiểm soát nồng độ cồn tiến hành tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại một điểm trên đường giao thông phải đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức triển khai kiểm soát xử lý vi phạm không gây ùn tắc giao thông. Tại khu vực kiểm tra có bố trí biển báo “chốt kiểm tra nồng độ cồn”, làn đường kiểm soát nồng độ cồn sẽ được bố trí, phân làn bằng các cọc phản quang hình chóp nón bằng nhựa hoặc cao su. Trước chốt kiểm tra nồng độ cồn, sẽ bố trí cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh cho các phương tiện giảm tốc độ và hướng dẫn đi vào làn đường theo quy định để tới vị trí kiểm tra.
CSGT thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn tại các tuyến đường hay xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt vào các ngày cuối tuần Độc Lập

Khi tới vị trí kiểm tra, việc kiểm tra sẽ được tiến hành theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tổ công tác sẽ dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ thụ động không cần dùng ống thổi để kiểm tra xác định người lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở hay không. Tùy vào từng loại phương tiện kiểm tra mà người lái xe có thể ngồi trên xe hoặc xuống xe cho phù hợp để thực hiện yêu cầu kiểm soát. Nếu không phát hiện vi phạm thì tổ công tác sẽ cám ơn và hướng dẫn cho người lái xe tiếp tục hành trình. Trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về nồng độ cồn sẽ yêu cầu người lái xe đưa xe vào khu vực xử lý.
Giai đoạn 2 tại khu vực xử lý, Tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra giấy tờ của người, của phương tiện và dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ đo định lượng có ống thổi để kiểm tra xác định mức độ vi phạm. Sau đó, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay có bao nhiêu vụ xử phạt về vi phạm nồng độ cồn, bao nhiêu xe bị giam, xử phạt thế nào, thưa ông?
Trong 10 tháng đầu năm 2018, lực lượng CSGT thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện, xử lý kiên quyết người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia vượt quá quy định, xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ. Kết quả đã xử lý 22.207 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (gồm 1.019 trường hợp điều khiển xe ô tô và 21.188 trường hợp điều khiển xe mô tô, gắn máy), chiếm khoảng 5% tổng số liệu xử lý.
Kết quả đã xử lý 22.207 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (gồm 1.019 trường hợp điều khiển xe ô tô và 21.188 trường hợp điều khiển xe mô tô, gắn máy)
Thông thường khi xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, có tình trạng nào chống đối, gây khó dễ cho lực lượng không? Nếu có thì xử lý thế nào?

Thói quen sử dụng rượu, bia trong giao tiếp, sinh hoạt của người dân còn nhiều, nhất là các dịp Lễ, Tết và những ngày cuối tuần, cùng với ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém nên tình trạng sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ còn diễn ra phổ biến. Một số trường hợp khi lực lượng cảnh sát kiểm tra, có thái độ không hợp tác, lời nói, cử chỉ thái độ thiếu văn hóa xúc phạm đối với các lực lượng kiểm tra; không ký tên vào biên bản vi phạm, kéo dài thời gian xử lý; thậm chí có biểu hiện chống người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, Công an thành phố đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông linh hoạt, chủ động tổ chức phối hợp các lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phản ứng nhanh, Công an Phường, xã hỗ trợ lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý kiên quyết các trường hợp chống đối, không chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát về nồng độ cồn, tiếp tục quán triệt, tập huấn cho cán bộ chiến sỹ xử lý linh hoạt trong các tình huống.
Theo ông, những nơi được gọi là “điểm đen” - tức những nơi có nhiều tài xế say xỉn vi phạm nồng độ cồn đa phần là ở đâu?
Phòng CSGT ĐB-ĐS thường xuyên tiến hành rà soát nắm tình hình địa bàn, duy trì việc tổ chức kiểm tra hành chính từ sau 21 giờ tại các điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông kết hợp xử lý vi phạm về nồng độ cồn, phòng chống tội phạm và phòng ngừa, ngăn chặn tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng. Trên cơ sở làm tốt công tác nắm tình hình để triển khai tổ chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đảm bảo theo quy định của pháp luật phù hợp thực tế tình hình tham gia giao thông trên địa bàn đảm trách.
Một số người dân thắc mắc máy đo nồng độ cồn có chính xác không, tem kiểm định ra sao và nguồn gốc xuất xứ của máy đo này như thế nào.
Theo PC08, máy đo nồng độ cồn được kiểm định trước khi đo Độc Lập
Máy đo nồng độ cồn mà lực lượng CSGT sử dụng là do Bộ Công an phối hợp với Viện đo lường Việt Nam thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng để tổ chức kiểm định. Các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ (cụ thể là máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn) đã được cơ quan chức năng kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, được cấp giấy chứng nhận theo Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26.9.2013 về Quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 và được lực lượng CSGT sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.