Tối 11.8, tổ công tác thuộc Đội CSGT - trật tự Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) lập chốt ở giao lộ Tô Ngọc Vân - Gò Dưa (P.Tam Bình), kết hợp tuần tra linh động, vào tận hẻm kiểm soát, xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Nhiều tài xế vi phạm kịch khung, không chấp hành làm việc
20 giờ 40 cùng ngày, tổ công tác tuần tra trên các đường Tô Ngọc Vân, Gò Dưa, Ngô Chí Quốc, tỉnh lộ 43 (TP.Thủ Đức), phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn kịch khung.
Trong đó, có trường hợp của anh N.T.H (39 tuổi, quê Long An, làm công nhân) sau khi uống khoảng 8 lon bia thì lái xe máy chở bạn nhậu (không đội mũ bảo hiểm) về nhà. Chạy đến cầu vượt Gò Dưa, anh H. bị tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn và phát hiện vi phạm mức 0,5 mg/l khí thở.
Làm việc với CSGT, anh H. không hợp tác, nói chưa dùng rượu bia, không tin vào kết quả máy đo. Anh này không chấp hành ký vào biên bản vi phạm nên bị CSGT lập thêm biên bản ghi nhận vụ việc người vi phạm không chấp hành làm việc.
Người đàn ông say xỉn ‘không biết đường về’, liên tục cự cãi tại chốt đo nồng độ cồn
Tiếp đó, trường hợp một người đàn ông (chưa rõ lai lịch), bị CSGT phát hiện vi phạm nồng độ cồn 1,115 mg/l khí thở, khi đang lái xe (biển số 83F8 - 58.xx) trên đường Tô Ngọc Vân. Sau khi thấy kết quả, người đàn ông này bỏ xe lại hiện trường, bỏ đi.
Tương tự, một người đàn ông khác, chạy xe máy (biển số 68S9 - 32.xx) trên đường Gò Dưa, khi bị CSGT ra hiệu lên dừng phương tiện kiểm tra thì người này bất hợp tác, bỏ đi và không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.
Với trường hợp người điều khiển xe máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của CSGT, tài xế sẽ bị phạt cao nhất đến 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.
Chưa hết, người đàn ông chạy xe máy chở theo một phụ nữ, khi được CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, người này tự xưng là luật sư, nhiều lần né tránh, không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra.
Những tình huống tài xế vi phạm luật giao thông đường bộ, không chấp hành như trên đã gây nhiều khó khăn và mất thời gian cho tổ công tác trong quá trình làm việc.
Mới ra viện nên không thổi nồng độ cồn
Hơn 21 giờ, tổ công tác tuần tra trên tỉnh lộ 43 thì phát hiện người đàn ông lớn tuổi chạy xe máy loạng choạng, tốc độ lúc nhanh, lúc chậm bất thường nên yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra.
Người đàn ông này không xuất trình được CCCD, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và cho hay tên D.T.N (51 tuổi, ở Q.Bình Thạnh). CSGT yêu cầu ông N. kiểm tra nồng độ cồn nhưng người đàn ông liên tục đẩy CSGT ra, không chấp hành hiệu lệnh với lý do ông vừa xuất viện, không thể kiểm tra nồng độ cồn. Sau đó, ông N. có dấu hiệu bị mất phương hướng, đứng không vững, nói lung tung, toàn thân toát ra mùi bia rượu nực nồng và cho hay không biết đường về nhà.
Dù được CSGT giải thích, khuyên can, người vi phạm thừa nhận đã uống rượu bia nhưng vẫn không chấp hành thổi nồng độ cồn; còn cự cãi, lớn tiếng với tổ công tác.
Một trường hợp dở khóc dở cười khác là người đàn ông tên S. (50 tuổi, ở TP.Thủ Đức), đang nhậu tại một bữa tiệc thì vợ gọi phải đi mua đồ ăn. Ông S. chạy xe máy trong tình trạng say xỉn mức 0,36 mg/l khí thở và bị CSGT phát hiện, xử lý.
Trong 1 giờ đồng hồ, chúng tôi ghi nhận tổ CSGT xử lý 15 tài xế xe máy vi phạm nồng độ cồn. Theo quy định, người lái xe máy nếu nồng độ trong máu chưa vượt quá 0,25 mg/l khí thở thì bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng; vượt quá 0,25 - 0,4 mg/l khí thở thì bị phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 16 - 18 tháng; trên 0,4 mg/l khí thở thì phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.
Nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm nồng độ cồn, hằng đêm, Đội CSGT - trật tự Công an TP.Thủ Đức phối hợp công an địa phương chia thành nhiều tổ công tác chốt chặn, tuần tra kiểm soát trên nhiều tuyến đường đảm trách. Từ đó, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.
Bình luận (0)