Theo thống kê của Hội Sàn chậu TP.HCM, được công bố tại Tại Hội nghị Sàn chậu học (chiều 2.11), cứ 3 phụ nữ từng mang thai và sinh nở thì có 1 người bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu.
Trong đó, cứ 5 người thì có một người bị sa từ 2 cơ quan trở lên như: sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng.
Những thói quen không tốt, sự thiếu hiểu biết và chủ quan trong việc giữ gìn và bảo vệ sức khỏe là nguyên nhân khiến sa tạng chậu gia tăng.
Bên cạnh đó, tuổi tác và suy giảm sức khỏe lại cản trở nhiều trong việc trị liệu, phẫu thuật bệnh lý này.
Tại hội nghị, các bác sĩ đã cập nhật những kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng phẫu thuật mới trong việc điều trị căn bệnh này. Đặc biệt sự kết hợp trị liệu cùng với công nghệ laser FotonaSmooth.
Đây là liệu pháp hỗ trợ tối ưu trong việc điều trị với thủ thuật không bóc tách, chỉ xâm lấn tối thiểu vào thành âm đạo. Công nghệ là bước tiến mới trong y khoa, mở ra cơ hội mới cho phụ nữ bị bệnh.
Mục tiêu của liệu pháp là sản sinh ra collagen âm đạo với nhiệt độ cao, bằng cách tái cấu trúc sợi collagen và tổng hợp collagen mới, giúp tái tạo tổng thể các mô âm đạo bị lão hóa hoặc các mô âm đạo bị thương tổn.
Trong đó, điều đáng quan tâm là việc ứng dụng máy Fotona trong thủ thuật không bóc tách, chỉ xâm lấn tối thiểu vào thành âm đạo.
Sàn chậu nữ là vùng bao gồm các cấu trúc nằm bên trong khung xương chậu: từ khớp mu đến xương cụt, từ thành chậu bên này sang thành chậu bên kia và được hình thành từ nhiều khối cân, cơ đan xen nhau.
Sàn chậu chứa 3 cơ quan: hệ thống tiết niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo), hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn). Sàn chậu có chức năng giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động chạy nhảy; đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đại tiện và tiểu tiện theo ý muốn, hoạt động tình dục; giúp quá trình sinh đẻ dễ dàng hơn.
|
Bình luận (0)