Cụ bà 80 tuổi chắt chiu đồng lương, 20 năm làm việc nghĩa

24/01/2017 08:39 GMT+7

Má Sáu, người phụ nữ đã qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy" vẫn âm thầm làm việc nghĩa, chắt chiu từng đồng lương hưu để giúp nhiều gia đình nghèo trong gần 20 năm qua.

Cụ Nguyễn Thị Hiếu (ở P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) mà nhiều người gọi với cái tên thân thương, má Sáu, dù đã gần 80 tuổi nhưng vẫn âm thầm làm việc nghĩa cho cuộc sống này.
Những ngày giáp tết Đinh Dậu, ai ai cũng tất bật công việc và chuẩn bị cho gia đình mình đón tết thì giữa lòng thành phố hoa lệ, má Sáu vẫn đang âm thầm mang từng bao gạo, thùng mì tôm, chai dầu ăn đến thăm và chia sẻ với một số gia đình khó khăn trong khu phố của mình.
Má Sáu đến với những hộ nghèo không chỉ là món quà mà má đến với họ bằng cả một tấm lòng. "Vì mình đã từng bụng đói nên thấu hiểu được người khốn khó họ đói bụng như thế nào", má Sáu chia sẻ. Cứ vậy, má Sáu chắt chiu từng đồng lương hưu chia sẻ cùng đồng bào của mình. Đây là việc bao nhiêu năm má Sáu vẫn cứ làm, nhất là những ngày cận kề ngày tết truyền thống của người Việt.
Má Sáu trao quà cho người nghèo Ảnh: Hà Nhân
Bà Trương Nữ (ở khu phố 13, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân), một trong những gia đình mà má Sáu đến thăm trong dịp tết này, chia sẻ: "Má Sáu quan tâm đến gia đình của tui lắm. Không những hôm nay mà má Sáu còn kết nối ở chùa thường xuyên giúp đỡ gạo cho gia đình tui. Tui biết ơn má Sáu”.
Không chỉ quan tâm cho hộ nghèo vào dịp tết, nhiều năm qua má Sáu dành dụm và kêu gọi nhiều người tham gia đóng góp xây dựng 14 căn nhà tình thương, tình nghĩa. Thêm một gia đình có chỗ trú nắng, trú mưa là má Sáu thêm một chút yên tâm, ấm lòng.
“Mình có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ có sự đóng góp của nhân dân, đồng bào. Có thể những người đó họ không trực tiếp đóng góp nhưng mà ông bà, cha mẹ của họ đã cống hiến xương máu, tiền của cho đất nước. Cho nên mình giúp cho dân, cho đồng bào tức là chia sẻ cái khó, cái khổ với người ta. Đó là việc làm đền ơn đáp nghĩa”, má Sáu tâm sự.
“Chúng tôi rất cần tấm lòng hảo tâm và cầu nối của má Sáu, vì việc làm đó giúp phường chăm lo cho những gia đình khó khăn mà quỹ người nghèo không thể chăm lo hết”, bà Nguyễn Thị Vân Trang, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân cho biết. 
Còn với ông Trần Tấn Khoa (công tác mặt trận khu phố 13, P.Bình Trị Đông), má Sáu là một người đáng trân quý. “Trước đây tôi làm tổ trưởng Tổ dân phố này hơn 10 năm, tôi gần gũi với má Sáu cũng nhiều nên hiểu được má Sáu. Với đồng lương hưu ít ỏi, má Sáu chi tiêu kỹ lưỡng, rồi dành lại tiền để mua gạo, mì, dầu ăn, bột ngọt… đem giúp cho hộ nghèo. Giúp hết hộ này sang hộ khác. Rồi đi vận động chỗ này, vận động chỗ kia để xin về cho hộ nghèo. Những hộ nhà cửa dột nát má Sáu vận động, xin tiền về sửa chữa, cất nhà tình thương cho họ. Ở đây tôi thấy quý là quý cái tình người, tấm lòng của một con người, mặc dù vật chất không đáng là bao nhưng ở đó chất chứa sự tốt bụng của má Sáu”, ông Khoa tâm sự.
Âm thầm, lặng lẽ không muốn nhiều người biết việc làm của mình, nhưng rồi một ngày mọi người thuyết phục má Sáu xuất hiện để được tuyên dương. Đắn đo mãi má Sáu mới chịu TP.HCM trao cho danh hiệu "Tấm gương thầm lặng mà cao cả" năm 2016.
Danh hiệu là vậy, điều quan trọng nhất đối với má Sáu bây giờ là ngày nào còn sức khỏe là ngày đó tiếp tục đến với người nghèo. Bởi má Sáu cho rằng: "Đừng bao giờ quên tình đồng bào của mình!". Đó cũng là điều thôi thúc má Sáu làm việc nghĩa suốt nhiều năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.