Đã 89 tuổi, cụ bà vẫn cần mẫn bán hàng sau đoạn đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Gánh hàng rong nhỏ của bà cũng chẳng có gì nhiều nhặn, chỉ vài bao thuốc lá, vài gói kẹo lạc, một chiếc cân cùng vài chiếc chong chóng nhỏ. Chẳng ai biết tên thật của cụ bà là gì, nhà ở đâu, hoàn cảnh ra sao, thấy gánh hàng như vậy, mọi người đặt cho cụ cái tên là bà “Cân”.
|
Căn nhà nhỏ của bà nằm khuất trong con ngõ hẹp phía sau khu tập thể H9 phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Nói là căn nhà nhưng thực chất đó chỉ là một phòng trọ nhỏ xây trên mảnh đất thừa, rộng chưa đầy 4m2, chỉ đủ kê chiếc giường đơn và vài vật dụng thiết yếu.
Vật lộn với số phận
Theo lời cụ Cân kể, cụ tên thật là Nguyễn Thị Thanh, quê gốc ở Thái Bình. Cụ lên Hà Nội bươn chải, sinh sống từ năm 21 tuổi. “Lên Hà Nội thời đó bốn bề lạ lẫm không quen biết ai, được cái khi đó sức gái còn khỏe, nên cũng sống được qua ngày”, cụ Cân nhớ lại.
Ở Hà Nội, cụ quen và phải lòng một người đàn ông ở khu Đống Đa. Hai người lấy nhau và sinh được một người con. Qua vài năm chung sống, vợ chồng không còn cảm thấy hợp nhau nên cụ quyết định ly hôn, một mình nuôi con, nhưng con của cụ không lâu sau cũng mất vì bệnh.
|
Năm 33 tuổi, cụ đi thêm bước nữa. Người chồng lần này của bà là bộ đội tập kết ra Bắc, hai người có một con trai. Nhưng sau 10 năm chung sống, người chồng mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời và cụ lại một lần nữa nuôi con một mình.
“Năm con trai tôi 30 tuổi, nó lập gia đình và sinh được 2 cháu nội, nhưng rồi nó cũng mắc bệnh rồi chết sớm, để lại hai đứa con thơ”, bà Cân xót xa kể và cho biết, trong số 2 cháu thì cô đầu đã lấy chồng ở Nam Định, đứa thứ 2 ở riêng và chưa lập gia đình, thỉnh thoảng mới về thăm bà.
Cụ Cân trước đây cũng có một căn nhà, nhưng là người nhẹ dạ, cụ đã bán đi mua một mảnh đất ở quận Thanh Xuân. Nào ngờ đâu mảnh đất nằm trong dự án, thuộc diện bị thu hồi nên bà mất hết số tiền bán nhà. Đó cũng chính là lý do vì sao 30 năm nay bà phải sống trong căn phòng trọ chật hẹp thế này.
|
Ngày ngày đẩy xe bán hàng ở sau Bách hóa Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội), bà chỉ mong trời thương, đừng mưa để còn kiếm được vài chục ngàn sống qua ngày. “Đi bán hàng thì cũng nhiều người thương mình lắm, các chú bảo vệ, các cháu sinh viên, cứ thi thoảng có củ khoai, củ sắn họ lại cho mình”, cụ Cân cười.
Chắc cũng bởi lẽ đó, cụ Cân coi khu Bách hóa Thanh Xuân như ngôi nhà thứ 2 của mình. Dù có muốn chuyển đi nơi khác rộng rãi hơn nhưng cụ lại thôi vì vẫn muốn được đẩy xe ngày ngày đứng bán. “Chuyển ra xa quá thì không bán hàng được, bà già rồi, chân đau lắm, đẩy xe gần còn cố được chứ đi xa thì chịu”, cụ Cân nói.
Hiến xác cho y học
Với mong muốn được cống hiến gì đó cho xã hội, cụ Cân đã quyết định hiến mô tạng, hiến xác cho y học. “Lúc sống đã chẳng làm được gì có ích, lúc chết muốn được làm điều thiện đóng góp cho mọi người”, cụ Cân nói về quyết định của mình.
|
“Giờ chỉ mong chỉ mong sống không bệnh tật, sống khỏe", cụ Cân vừa nói vừa lấy cho chúng tôi xem "tài sản quý hơn vàng" được cụ bọc cẩn thận trong nhiều lớp giấy ni lông, buộc dây chun vòng chằng chịt bên ngoài.
Đó là tấm thẻ chứng nhận đăng ký hiến mô tạng, do Trung tâm Điều phối tạng quốc gia cấp cho cụ vào năm 2016. Với cụ Cân, tấm thẻ đó như cả gia tài.
Bà Hoàng Thúy Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cụ Cân sống ở khu vực phía sau khu tập thể H9 trên địa bàn phường nhiều năm nhưng chỉ ở thuê trong các nhà trọ nhỏ hẹp và ẩm thấp. Chính quyền địa phương đã nhiều lần gặp gỡ để thăm hỏi, vận động bà vào trại dưỡng lão sống nhưng cụ Cân không đồng ý. Theo bà Hoàng Thúy Anh, cục Cân ở đây cũng lâu, lại là người lớn tuổi, nên nhiều người đi qua cũng hay mua hàng ủng hộ, giúp đỡ bà được chừng nào tốt chừng ấy.
|
Bình luận (0)