Gần 1 năm nay, người dân tại chung cư Tô Hiến Thành, P.12, Q.10, TP.HCM đã quen thuộc với hình ảnh cụ bà ngồi trên xe lăn tập những động tác dưỡng sinh cùng nhiều người dân trong khu phố.
Chỉ có trời mưa là không tập
Có mặt tại chung cư Tô Hiến Thành vào một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi thật bất ngờ khi thấy hình ảnh một cụ bà ngồi trên xe lăn, quơ tay qua quơ tay lại, trên khuôn mặt cụ hiện rõ niềm vui.
Khi đến trò chuyện, chúng tôi mới biết tên cụ là Nguyễn Thị Tường, 92 tuổi, ngụ tại P12, Q.10, TP.HCM . “Tôi tập được gần một năm rồi, nhà tôi ở gần đây nè, sáng nào cũng kêu cô Gấm đẩy xe ra đây để tôi tập thể dục với mấy cô trong câu lạc bộ dưỡng sinh. Tôi đang khởi động, lát mới tập”, cụ Tường nói với vẻ mặt hứng khởi.
Người tên Gấm mà cụ Tường nhắc tới là chị Đỗ Thị Gấm, 56 tuổi, giúp việc nhà cho cụ. “Ngày nào chị cũng đẩy xe cho bà ra tập thể dục, có mấy ngày trời mưa là không đi thôi. Thấy bà vui lắm, bà tập mình cũng tập theo”, chị Gấm cho biết.
|
6 giờ 30, các thành viên trong CLB dưỡng sinh của Hội LHPN P.12, Q.10, TP.HCM tập trung đầy đủ, xếp ngay hàng, thẳng lối, cụ Tường được xếp sau trưởng nhóm. Nhạc nổi lên, bài tập bắt đầu, các cô cho tay bên trái thì cụ quơ bên trái, cho tay qua bên phải thì cụ quơ bên phải, rồi lúc lên lúc xuống rất đều và ngay ngắn.
Cô Bùi Thị Tuyết Hương, chủ nhiệm CLB Thể dục dưỡng sinh, cho biết: “Má Tường rất là gương mẫu trong các hoạt động, phong trào phụ nữ của khu phố. Tuy là tuổi cao sức yếu nhưng má vẫn luôn theo dõi và ủng hộ các phong trào phụ nữ, đặc biệt là các phong trào thể dục thể thao, tập dưỡng sinh của khu phố. Má là người khởi xướng đầu tiên ra phong trào tập dưỡng sinh tại khu phố từ 20 năm trước”.
“Cái chân làm không được nhưng cái tay quơ quơ vậy đó, ai làm gì thì má làm theo. Má là nguồn động viên rất là lớn đối với chị em chúng tôi. Hình ảnh của má đã tạo hiệu ứng rất tốt cho cả khu phố. Đầu năm CLB có mấy người à, từ lúc má Tường đi tập, tự nhiên có thêm nhiều người tham gia, hiện tại CLB cũng 30 người rồi”, cô Tuyết Hương chia sẻ.
|
Tiếp thêm động lực cho người trẻ
Anh Nguyễn Văn Hiệp, 32 tuổi, sống tại chung cư Tô Hiến Thành, cho biết từ khi thấy cụ bà tập thể dục, tự nhiên mình thấy yêu đời hơn. Sáng hay chiều mình đều dắt con trai ra tập thể dục.
“Dù già hay trẻ thì việc tập thể dục rất quan trọng, ít nhất cũng phải dành nửa tiếng trong ngày để tập thể dục. Còn khỏe thì tập nhiều, yếu thì tập ít, người ta ngồi xe lăn còn tập được huống gì mình còn tay chân lành lặn”, anh Hiệp chia sẻ.
Chị Nguyễn Huỳnh Trang Đài, 23 tuổi, làm việc tại Công ty cổ phần Công nghệ truyền hình Saigon Film (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: "Mình ở trọ gần chung cư Tô Hiến Thành, sáng nào đi làm mình cũng thấy cụ ngồi xe lăn tập thể dục cùng mọi người. Thật sự mà nói thì bản thân mình dành rất ít thời gian để tập thể dục, vì công việc của mình là làm văn phòng, sau một ngày dài đi làm về mệt mỏi thì mình chỉ muốn nằm ngủ thôi chứ không thích tập thể dục nữa. Sau khi thấy cụ ngày nào cũng tập thể dục thì mình nhận ra sức khỏe là vốn quý nhất. Cụ đã tiếp thêm động lực để mình cố gắng tập thể dục mỗi ngày, dù ít hay nhiều."
Cảm phục trước hình ảnh cụ bà ngồi trên xe lăn tập thể dục, chị Bùi Thị Kim Ngân, Phó bí thư đoàn P.12, Q.10, TP.HCM nói: “Mình biết cụ Tường từ lâu rồi, mình rất cảm phục trước tình yêu thể thao của cụ, nhìn cụ tập thể dục mình tự giác bản thân là phải cố gắng noi theo...”.
Anh Đỗ Tình, 22 tuổi, làm việc tại một công ty viễn thông ở Q.1, TP.HCM cho biết anh rất ít khi dậy sớm để tập thể dục vì đi làm cả ngày về mệt chỉ muốn ngủ và ngủ, vô tình bắt gặp những khoảnh khắc mà cụ bà tập thể dục trên xe lăn mình thật sự rất cảm phục.
“Mình thấy cụ đã lớn tuổi rồi mà còn dành thời gian để tập thể dục, trong khi mình còn trẻ mà lại lười, chỉ vùi đầu để ngủ. Rồi mình cũng tập dậy sớm, thực sự ban đầu rất khó khăn, vì vốn đã quen với việc ngủ nướng rồi. Nhưng rồi, một hai ngày, vài ngày sau đó nữa thì mình cũng dần quen. Và mình cảm nhận một điều là cơ thể mình khỏe hơn, không còn mệt mỏi mỗi khi đi làm nữa...”, anh Tình chia sẻ.
Năm 1945, bà Nguyễn Thị Tường bắt đầu tham gia cách mạng tại xã
Bình Hòa Bắc, huyện Đức Hòa (nay là Đức Huệ) tỉnh Long An.
Sau ngày 30.4.1975, bà Tường trở về
quê hương xã Bình Hoà Bắc, Đức Huệ sinh sống và được phân công
nhiệm vụ Chánh thư ký Ban chấp hành Nông hội xã - Ủy viên Ban chấp hành
Nông hội huyện Đức Huệ.
Tháng 9.1979, bà Tường trở lại TP.HCM sinh sống với hai
người con gái.
Năm 2014, bà Nguyễn Thị Tường được nhà nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
|
Bình luận (0)