Cụ bà gần 20 năm dắt học sinh qua đường

11/03/2019 13:55 GMT+7

Bất kể trời nắng mưa hay bận bịu, bà Chu Thị Vanh (Hà Tĩnh) vẫn có mặt đúng thời điểm học sinh đến lớp và tan trường, dẫn các em băng qua quốc lộ 1A một cách an toàn.

Cứ như vậy gần 20 năm qua, chỉ trừ ngày các em học sinh được nghỉ học, bà Vanh (61 tuổi, ngụ thôn Tân Thuận, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên) luôn có mặt trước cổng Trường tiểu học Cẩm Thịnh để làm công việc do chính bà tự nguyện.
[VIDEO] Chuyện chưa kể hết về bà bảo vệ 20 năm dắt tay học sinh qua đường

Coi học trò như con đẻ

Dọc theo quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên, có không ít trường cấp 1 đến cấp 3 nằm sát ngay bên đường. Trường tiểu học Cẩm Thịnh là một trong số đó. Đứng trước cổng ngôi trường này sẽ thấy, lượng xe cộ qua lại trên đường rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho học sinh mỗi khi qua đường, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Đặc biệt, khu vực ngã tư gần cổng trường học lại là một điểm đen về tai nạn giao thông. Mối lo đó giảm hẳn kể từ ngày bà Vanh tình nguyện dắt các em học sinh qua đường.
Không phải ngẫu nhiên bà Vanh lựa chọn nhiệm vụ “vác tù và hàng tổng” này. Đầu năm 2000, bà Vanh được nhận vào làm bảo vệ cho Trường tiểu học Cẩm Thịnh. Nhà bảo vệ ngay sát cổng trường, nên sau mỗi giờ học, bà Vanh thường thấy các em học sinh đứng lộn xộn dọc đường chờ cha mẹ đến đón. Một số em khác phải tự đi bộ, đi xe đạp băng qua ngã tư mà không phải lúc nào cũng cẩn thận nhìn trước ngó sau. Các phương tiện mỗi lần lưu thông qua đây thường phải giảm tốc độ, kéo còi kêu inh ỏi để cảnh báo. Thậm chí, nhiều xe phải dừng đột ngột vì một số em bất ngờ băng qua đường ngay phía trước đầu xe.
“Thay vì chỉ đứng nhìn học trò qua đường mà lòng lo lắng, tôi quyết định trực tiếp dắt các em đi qua”, bà Vanh nói về cơ duyên đến với công việc này.
Ông Phan Xuân Tiến (74 tuổi), có cháu học tại Trường tiểu học Cẩm Thịnh, cho biết trước đây tại khu vực ngã tư gần cổng trường tiểu học, năm nào cũng xảy ra tai nạn giao thông có người chết, đó là chưa kể các vụ va chạm khiến nhiều người dân và các em học sinh bị thương. Nhưng kể từ ngày có bà Vanh đứng ra dắt trẻ qua đường, không xảy một vụ tai nạn giao thông nào.
“Quả thực bà Vanh là một người rất hiếm có và đặc biệt. Bởi nhiều người, trong đó có cả đàn ông, dù ngồi trong nhà nhìn ra đường thấy xe chạy ầm ầm qua lại thôi cũng đã thấy sợ rồi, huống gì đi qua đường lúc xe cộ lưu thông tấp nập”, ông Tiến bày tỏ thán phục.
Sở dĩ bà Vanh được phụ huynh học sinh dành sự yêu mến đặc biệt như thế là vì bà luôn coi học trò như con đẻ của mình. Trách nhiệm ấy được bà thể hiện bằng việc luôn có mặt rất sớm tại ngã tư và chỉ trở lại làm công việc bảo vệ trường khi đã đưa hết từng tốp em học sinh qua đường an toàn. Ngã tư “tử thần” bây giờ như trở thành điểm hẹn của bà và cháu sau mỗi ngày đến lớp.

Hy sinh cả việc gia đình

Hôm tôi đến cũng là thời điểm các em học sinh vừa tan trường sau giờ học buổi sáng, cùng lúc bà Vanh, mặc chiếc áo dạ màu nâu, đã đứng đợi sẵn ngay tại ngã tư. Bà Vanh ít nói với người lạ nhưng lại rất thân thiện với các em học sinh. Thấy tốp 3 học sinh vừa có mặt tại “điểm hẹn”, bà thận trọng quan sát kỹ lưỡng hai bên đường, khi không còn phương tiện nào đi qua, bà mới dắt các em học sinh băng qua đường.
Ngay khi 3 em học sinh vừa qua, đã có tiếp 10 học sinh khác đi xe đạp “tập kết” một chỗ chờ bà Vanh dẫn sang đường. “Từ từ. Xếp gọn vào”, bà Vanh ra hiệu lệnh. Khi mặt đường thông thoáng, bà lại hô “đi”, lập tức cả tốp băng qua đường chóng vánh. Cứ thế, lần lượt từng tốp học sinh được bà Vanh đưa sang đường an toàn. “Ngã tư này chưa có đèn tín hiệu, các phương tiện chạy qua đây với tốc độ rất nhanh. Nếu không có người hướng dẫn và dắt các em qua thì rất nguy hiểm”, bà Vanh chia sẻ.
Cô Lê Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cẩm Thịnh, nói rằng vì sự an nguy của hơn 500 học sinh của trường mà suốt 19 năm qua, chưa một ngày nào, bà Vanh vắng bóng tại khu vực ngã tư để làm nhiệm vụ đưa học sinh sang đường. Dù cho gia đình bà có hiếu - hỉ, bà cũng tranh thủ có mặt đúng giờ “bảo vệ an toàn” cho các cháu sang đường.
“Cách đây 1 tuần thôi, người em trai của bà lâm bệnh mất, tôi cứ tưởng bà sẽ nghỉ việc mấy hôm để cùng người thân lo hậu sự. Không ngờ hôm đó, bà vẫn có mặt để đưa các em qua đường như thường ngày. Trước đó 1 tháng, con gái bà Vanh lấy chồng ở tận Quảng Bình làm lễ thôi nôi cho cháu, ai cũng nghĩ bà cùng người thân vào trong đó dự tiệc rồi ở lại chơi mấy ngày. Không ngờ, bà đi buổi sáng, buổi chiều đã bắt xe ra trước người thân để có mặt tại trường làm nhiệm vụ”, cô Hạnh nói.
Theo cô Hạnh, bà Vanh không những làm tốt công việc bảo vệ trường học, mà còn cưu mang các em học sinh nhà xa phải ở trường để kịp giờ học buổi chiều. Mỗi lần như thế, bà thường nấu cơm cho các em học trò. “Để gắn bó với công việc này, bà Vanh đã phải hy sinh chuyện gia đình rất lớn. Cũng may là bà được chồng ủng hộ và 3 đứa con đã lập gia đình”, cô Hạnh nói thêm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.