Cú bắt tay lịch sử Mỹ - Nhật - Hàn

20/08/2023 07:00 GMT+7

Khung thỏa thuận mà Mỹ - Nhật - Hàn đạt được sau hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra hôm qua mở ra bước ngoặt lịch sử trong hợp tác giữa 3 nước.

Rạng sáng 19.8 (theo giờ Việt Nam, tức trưa 18.8 theo giờ bờ Đông, Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại Trại David (bang Maryland, Mỹ). Trước đó, tối 18.8 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Biden cũng đã có 2 cuộc gặp riêng với Thủ tướng Kishida và Tổng thống Yoon.

Khung hợp tác toàn diện

Sau cuộc gặp thượng đỉnh, thông cáo chung cho biết 3 nước đã đồng thuận phối hợp trong nhiều vấn đề. Trước hết, Mỹ - Nhật - Hàn thống nhất sẽ duy trì hội nghị thượng đỉnh 3 bên hằng năm, kèm theo đó là các hội nghị 3 bên khác ở các cấp khác nhau để cùng tham vấn nhiều vấn đề.

Về an ninh và địa chính trị khu vực, 3 nước thống nhất cách tiếp cận đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), bao gồm vai trò trung tâm của ASEAN và thúc đẩy hợp tác với các nước ở nam Thái Bình Dương, đồng thời cam kết phối hợp thúc đẩy an ninh, hòa bình ở Indo-Pacific. Thông cáo cũng chỉ trích các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, tuyên bố ủng hộ luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, như được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS). Thông cáo chung còn khẳng định "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế".

Cú bắt tay lịch sử Mỹ - Nhật - Hàn - Ảnh 1.

Từ trái qua: Tổng thống Joon, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida trong cuộc họp báo chung tại Trại David ngày 18.8

AFP

Đối với vấn đề bán đảo Triều Tiên, thông cáo nêu: "Chúng tôi lên án mạnh mẽ số vụ phóng tên lửa đạn đạo chưa từng có của CHDCND Triều Tiên, bao gồm nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các hành động quân sự thông thường gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và hơn thế nữa".

Tuy nhiên, 3 nước cũng khẳng định: "Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ vẫn cam kết thiết lập lại đối thoại với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết". Cam kết này có thể xem là một động thái mở đường để nối lại đối thoại với Triều Tiên mà không đưa ra các điều kiện bắt buộc Bình Nhưỡng phải thực hiện trước khi đối thoại.

Mặc dù vậy, Washington, Tokyo cùng Seoul vẫn thống nhất tăng cường các cuộc tập trận chung về phòng thủ tên lửa, tác chiến chống tàu ngầm… Đặc biệt, 3 nước phối hợp hệ thống cảnh báo phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển để chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực nhằm ứng phó "các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân" từ Triều Tiên.

Bên cạnh đó, thông cáo cũng khẳng định sự ủng hộ dành cho Ukraine, đồng thời lên án Nga.

Về kinh tế, thông cáo cho biết Mỹ - Nhật - Hàn sẽ hợp tác hoàn thiện chuỗi cung ứng, đặc biệt về lĩnh vực bán dẫn. Bên cạnh đó, 3 nước "tăng cường hợp tác về các biện pháp bảo vệ công nghệ để ngăn chặn việc xuất khẩu trái phép hoặc đánh cắp các công nghệ tiên tiến mà chúng tôi phát triển ra nước ngoài". Theo giới quan sát, những quan hệ hợp tác này mang ý nghĩa đối trọng lớn với Trung Quốc.

Thời cơ hợp tác

Trong các khung thỏa thuận trên, vấn đề hợp tác kinh tế như việc củng cố chuỗi cung ứng, đặc biệt về linh kiện bán dẫn nói riêng và công nghệ nói chung, thì cả 3 nước đều đã xúc tiến hợp tác. Washington, Tokyo cùng Seoul cũng đã thúc đẩy nhiều chương trình hợp tác trong các thỏa thuận trên.

Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là sáng kiến hệ thống chia sẻ thông tin theo thời gian thực đối với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Bởi một sự hợp tác như thế, kết hợp cùng các cuộc tập trận chung, còn có thể theo dõi chặt chẽ, tăng cường năng lực răn đe quân sự ở khu vực Đông Bắc Á - nơi đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Trả lời Thanh Niên ngày 19.8, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: "Tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên, Mỹ - Nhật - Hàn thống nhất nhiều vấn đề về an ninh, đặc biệt là hệ thống chia sẻ thông tin theo thời gian thực để đối phó với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Mặc dù việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa không phải là vấn đề mới trong những năm gần đây, nhưng đây là lần đầu tiên Washington, Tokyo và Seoul nhất trí về hệ thống này".

Theo ông Nagao, thỏa thuận này chỉ ra 2 điều. Đầu tiên và quan trọng nhất là thỏa thuận chỉ ra rằng tình hình an ninh ở Đông Bắc Á đã xấu đi. Trong đó, thời gian qua, Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự rất nhanh và sắp đuổi kịp Mỹ. Song hành điều đó, Trung Quốc được cho là có kế hoạch tấn công Đài Loan. Cũng tại khu vực, Triều Tiên, quốc gia thân cận với Trung Quốc, đang thử nghiệm nhiều tên lửa tinh vi. Vì thế, người ta không thể bỏ qua kịch bản rủi ro là khi Trung Quốc tấn công Đài Loan, Triều Tiên có thể tấn công Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong tình huống như vậy, các nguồn lực quân sự của Mỹ sẽ được chia thành 2 mặt trận.

Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, Nga đang bị các nước phương Tây trừng phạt và có phần phụ thuộc vào Trung Quốc. Tàu chiến và máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung. Trung Quốc và Nga cũng phản đối bất kỳ biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nào đối với Triều Tiên. Vì thế, từ mối quan hệ Trung Quốc - Nga - Triều Tiên như vậy, Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc hiểu rằng cần hợp tác với nhau sâu sắc hơn.

"Thứ hai, thỏa thuận này đã đạt được vì chính trị nội bộ của Hàn Quốc. Trước đây, một số chính quyền của Hàn Quốc thực hiện chính sách đối ngoại khác, nhưng chính sách dần thay đổi dưới thời Tổng thống Yoon, người đã chọn cách tăng cường quan hệ với Mỹ lẫn Nhật bản. Nhờ đó, 3 nước mới đạt thỏa thuận trên", TS Nagao phân tích.

Thách thức về tính liên tục

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn đánh dấu giai đoạn mới nhất trong quá trình xây dựng lại lòng tin giữa Tokyo và Seoul và tăng cường hợp tác 3 bên với Washington để củng cố trật tự dựa trên luật lệ trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy ở Indo-Pacific, xung đột Ukraine và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Thỏa thuận đạt được ở Trại David đặt ra một khuôn khổ hợp tác 3 bên sâu sắc hơn trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và ngoại giao. Tuy nhiên, tính liên tục của thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào việc liệu những sáng kiến này có chuyển thành sự hỗ trợ chính trị trong nước dành cho Tổng thống Yoon hay không và liệu sự hợp tác có được thể chế hóa để duy trì dưới thời các chính quyền kế nhiệm ông Yoon hay không. Việc Seoul có duy trì chính sách hội tụ chiến lược của Hàn Quốc với Nhật Bản và Mỹ là vấn đề các bên lưu tâm. 

GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.