Cụ Chi... hành khất

13/05/2020 05:00 GMT+7

Dù đã 75 tuổi, nhưng cụ Phan Thị Kim Chi, cựu thanh niên xung phong, ở P.Thanh Trì (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), vẫn nhẫn nại ra chợ quyên góp từng đồng lẻ để giúp đỡ những người khó khăn. Vì vậy, cụ có tên là cụ Chi “hành khất”.

Cụ Chi đi hành khất đã 4 năm nay nhưng cụ không xin cho mình mà để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Hễ cứ nghe tin ở đâu có hoàn cảnh khó khăn là cụ lại bỏ tiền dành dụm được ra giúp đỡ và đi vận động mọi người cùng làm công tác thiện nguyện, với số tiền đã lên tới hàng trăm triệu đồng.

Cứu sống bệnh nhi nghèo

Kể về “sự nghiệp” làm từ thiện của mình, cụ nhớ nhất là đã góp phần kịp thời cứu sống một cháu bé bệnh tim bẩm sinh mà gia đình không có tiền cứu chữa. Đó là bé Lương Minh Quân, quê ở xã Hoằng Lưu, H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa. “Năm 2016, tôi nghe tin Bệnh viện Tim Hà Nội kêu gọi giúp đỡ một em bé phải mổ tim mà gia đình nghèo quá không có tiền. Tôi đã nhanh chóng đi vận động quyên góp và em bé đã được mổ kịp thời...”, cụ Chi kể. Không chỉ kêu gọi giúp đỡ lúc nguy cấp, cụ còn luôn quan tâm, hỏi han, động viên và giúp đỡ gia đình bé cho đến nay, khi bé Quân đã 4 tuổi.

Có lúc cũng mệt lắm, nhưng tôi xin làm người hành khất suốt đời để được giúp đỡ những người khó khăn

Cụ Phan Thị Kim Chi

Chị Lê Thị Tươi, mẹ bé Quân, cho biết gia đình chị rất khó khăn. Chồng chị làm công nhân, còn chị làm y tá của bệnh viện huyện, thu nhập hai vợ chồng chưa đến 10 triệu đồng/tháng. Gia đình có 2 con nhỏ, bé Quân là con thứ 2. Khi được 21 ngày tuổi thì bé Quân đã phải vào Bệnh viện Nhi Hà Nội điều trị bệnh tim. “Chồng tôi phải nghỉ việc để đưa cháu ra chữa trị, còn tôi thì lúc làm, lúc nghỉ nên kinh tế gia đình càng khó khăn. Đến 11 tháng, cháu được chuyển sang Bệnh viện Tim Hà Nội để chỉ định mổ. Gia đình tôi đã vay mượn khắp nơi để điều trị cho cháu, nhưng việc mổ lần 1 thất bại. Cháu bị nhiễm trùng máu phải nằm hồi sức 1 tháng ở viện và chờ thêm 3 tháng để mổ lại. Ca mổ của cháu chi phí khoảng 200 triệu đồng mà gia đình tôi không có đồng nào. Khi ấy, cụ Chi và các nhà hảo tâm đã quyên góp và mang tiền vào tận bệnh viện giúp đỡ để cứu sống con tôi dù cụ và gia đình tôi không có quen biết gì”, chị Tươi xúc động kể.
Chị Tươi cũng cho biết, sau khi mổ, cứ mỗi tháng bé Quân lại phải ra Hà Nội khám lại 1 lần, với chi phí đi lại và tiền thuốc khoảng 2 triệu/tháng. “Số tiền đó bằng nửa tháng lương của tôi, vì thế cứ chưa “cựa” được tiền thì lại đến lịch hẹn rồi. Vậy là thỉnh thoảng cụ Chi lại hỏi han, giúp đỡ, khi thì cho quần áo, khi thì cho cháu đồ dùng của gia đình...”, chị Tươi tâm sự.
Kể về trường hợp bé Quân, cụ Chi cũng xúc động cho biết, sau khi đã quyên góp giúp Quân, nghĩ như bao trường hợp mình đã giúp, nhưng 3 năm sau cụ ngỡ ngàng khi nhận được một cuộc điện thoại của bé Quân gọi đến hỏi thăm sức khỏe và muốn đến thăm cụ. “Cháu nhận tôi là bà. Tôi xúc động lắm và cũng từ đó tôi gắn bó với công việc thiện nguyện nhiều hơn”, cụ Chi nhớ lại.
Cụ Chi... hành khất

Cụ Chi ngồi ở chợ quyên góp tiền để ủng hộ đồng bào lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía bắc

Ảnh: Nguyệt Ánh

Ra chợ xin tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt

Từ năm 2016 đến nay, cụ Chi đã tham gia vận động quyên góp được khoảng 600 triệu đồng để giúp đỡ người nghèo và những hoàn cảnh éo le. Từ năm 2008, cụ nhận phụng dưỡng một bà mẹ VN anh hùng. Đặc biệt, vào những mùa bão lũ, cụ đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào ở các tỉnh Hà Giang, Yên Bái và miền Trung. Rồi không quản ngại đường sá xa xôi, cụ đi hàng trăm cây số để trao tận tay những người khó khăn. Đặc biệt, cụ đã quyên góp hàng trăm triệu đồng để tri ân các anh hùng liệt sĩ, xây nhà tình thương cho các hộ nghèo và ủng hộ các em học sinh ở tận xã Kim Nọc (H.Mù Cang Chải, Yên Bái). Ở nơi mình sinh sống, cụ thường xuyên quyên góp để tặng quà cho trẻ khuyết tật và học bổng cho học sinh nghèo học giỏi... Hoặc có những lần có người tai nạn thương tâm vào ban đêm cần sự giúp đỡ, cụ cũng đến tận nơi để tìm hiểu, vận động giúp họ qua cơn hoạn nạn...
Với những đóng góp của mình, cụ Phan Thị Kim Chi đã 2 lần được UBND TP.Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt việc tốt; năm 2019 được Hội Chữ thập đỏ TP.Hà Nội ghi nhận “Tấm lòng vàng nhân đạo”. Ông Nguyễn Sĩ Trường, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.Hà Nội, cho biết cụ Chi rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Không chỉ ủng hộ người khó khăn, cụ còn vận động người dân tham gia. Cụ Chi là tấm gương sáng cần lan tỏa để nhiều người cùng chung tay giúp đỡ người nghèo.
Để quyên góp được số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng với một cụ già đã 75 tuổi thực sự là một hành trình không ít gian nan, bởi có lúc cụ phải đi cóp nhặt từng đồng lẻ của những người không quen biết. “Trong một đợt đi quyên góp giúp đỡ bà con miền Trung bị bão lũ, tôi thấy số tiền không được nhiều nên đã ra tận chợ đầu mối ngồi xin mọi người ủng hộ dù chỉ là 1.000 - 2.000 đồng”, cụ Chi kể.
Hỏi về “bí quyết” quyên góp được số tiền lớn như vậy, cụ Chi cho biết cụ tham gia Hội Chữ thập đỏ của phường để mọi người yên tâm giao tiền cho mình. Đồng thời, mỗi đồng tiền quyên góp được, cụ không quản ngại khó khăn, dù có khi phải đi xa tới hàng trăm cây số, cũng đều đến tận nơi, giao tận tay, đúng địa chỉ những nơi được nhận. Và một “bí quyết” nữa là cụ đã sử dụng mạng xã hội Facebook để công khai các thông tin về hành trình thiện nguyện của mình. Chính vì thế, mọi người biết đến cụ nhiều hơn và quan tâm chia sẻ nhiều hơn.
Không chỉ đi vận động quyên góp, cụ Chi còn nhiều lần tự bỏ ra những khoản tiền lớn mà cụ dành dụm được để ủng hộ các chương trình hoạt động từ thiện của TP.Hà Nội. Có lần, khi nghe tin Hội Chữ thập đỏ TP chuẩn bị đi tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ ở Hà Giang, cụ đã lên Thành hội ủng hộ 20 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2019, cụ đã gom tiền tiết kiệm, ủng hộ 50 triệu đồng để xây nhà tình thương cho bà Đào Thị Tuyến, một người nghèo, bệnh tật, cô đơn ở thôn Nguyệt Xá (H.Mỹ Đức, Hà Nội). Rồi cụ đến tận nơi để tham gia khởi công xây dựng. Khi xây xong, cụ lại đến dự khánh thành và mua giường tặng bà Tuyến...

“Tôi xin làm người hành khất suốt đời”

Điều bất ngờ là gia đình cụ Chi không giàu có, vì cả hai vợ chồng cụ đều sống bằng lương hưu và một chút tiền con cái biếu. “Trước đây, tôi đi thanh niên xung phong, rồi được đi học Trường Quản lý kinh tế và về công tác ở Nhà máy thủy tinh y tế Phả Lại (Hải Dương) cho đến lúc nghỉ hưu. Cụ ông năm nay đã 80 tuổi, cũng là cán bộ về hưu đã 20 năm rồi”, cụ Chi kể và cho biết, cụ sinh được 4 người con, hiện đều đã có gia đình riêng và có công ăn việc làm ổn định. Vì vậy, thỉnh thoảng các con cũng gửi biếu hai cụ ít tiền để dưỡng già. Thế nhưng cụ không tiêu đến những khoản tiền đó mà dành dụm tiết kiệm làm từ thiện. “Nhiều người hỏi tôi tại sao cứ có đồng nào tiết kiệm được lại không để dưỡng già mà đi làm từ thiện? Tôi nghĩ, cuộc đời mình may mắn hơn nhiều người, có lương hưu, có mái ấm gia đình, trong khi ở ngoài kia vẫn còn nhiều người cần giúp đỡ. Vì vậy, khả năng giúp được đến đâu thì mình giúp đến đấy”, cụ Chi trải lòng.
Điều bất ngờ nữa là dù tất bật với công việc thiện nguyện, nhưng ở phường cụ Chi còn đảm đương nhiều “chức vụ” như: Phó chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong; Thường trực Hội Người cao tuổi phường, Chi hội phó Chi hội phụ nữ khu dân cư; Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Vạn Xuân... Cụ Chi bảo cụ làm nhiều việc như vậy cũng là để kêu gọi mọi người làm thiện nguyện. “Có lúc cũng mệt lắm, nhưng tôi xin làm người hành khất suốt đời để được giúp đỡ những người khó khăn”, cụ Chi nói và nở nụ cười đôn hậu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.