Cư dân chung cư Việt Đức Complex lo bị chủ đầu tư cắt điện sinh hoạt

30/12/2020 21:03 GMT+7

Nhiều ngày qua, một số cư dân sống tại chung cư Việt Đức Complex (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) đã tập trung căng băng rôn trước cửa UBND Q.Thanh Xuân kêu cứu vì lo chủ đầu tư cắt điện sinh hoạt.

Đang tranh chấp về bàn giao căn hộ, cư dân lo lắng bị cắt điện

Phản ánh đến Thanh Niên, đại diện cư dân chung cư Việt Đức Complex cho biết, cách đây vài tháng, do công trình chậm tiến độ giao nhà nên không ít hộ bí bách về nơi ở, được chủ đầu tư đồng ý nên đã dọn đến sinh sống từ khi công trình chưa đủ điều kiện bàn giao, chưa ký biên bản bàn giao nhà.
Đầu tháng 12 vừa qua một số cư dân nhận được thông báo của Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức - đại diện liên danh chủ đầu tư về việc ký kết hợp đồng mua bán điện tại tòa nhà này và lập kèm theo danh sách các căn hộ đủ điều kiện ký kết hợp đồng mua bán điện.
Tuy nhiên, nhiều căn hộ không đủ điều kiện ký kết hợp đồng mua bán điện và sẽ bị công ty ngừng cung cấp điện sau ngày 31.12.2020, khiến nhiều cư dân bức xúc, lo lắng.
Theo thông báo, một trong những điều kiện để ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư là cư dân có "biên bản bàn giao căn hộ". Trong khi đó, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân về việc bàn giao căn hộ lại chưa được giải quyết triệt để, dẫn tới việc nhiều chủ căn hộ vẫn chưa nộp tiền mua căn hộ hai đợt cuối nên chưa thể ký “biên bản bản giao căn hộ”.
Anh T.M.H, một cư dân Việt Đức Complex, cho biết chủ đầu tư yêu cầu khách hàng ký các biên bản không đúng theo hợp đồng mua bán căn hộ, không có bàn giao, đo đạc thực tế. Do vậy, chủ các căn hộ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cũng không thể ký vào biên bản bàn giao vì nhận thấy quyền lợi của mình theo hợp đồng mua bán không được đảm bảo.

Cư dân căng băng rôn cả ở trước dự án chung cư Việt Đức Complex để phản đối chủ đầu tư dùng "chiêu" cắt điện ép ký biên bản bàn giao nhà

Ảnh Lê Quân

Nhiều cư dân cũng cho rằng chủ đầu tư đang lạm dụng mình là bên bán nhà và bán điện để gây sức ép trong giải quyết tranh chấp vấn đề tiền mua nhà, biên bản bàn giao nhà với người mua căn hộ trong khi vấn đề này đã đưa đơn ra tòa chờ xét xử. Như vậy là không đúng vì điện, nước là những nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt hàng ngày, nếu mất điện, nước thì cuộc sống sẽ bị xáo trộn.

Chủ đầu tư nói gì?

Theo tìm hiểu, chung cư Việt Đức Complex có liên danh chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Sông Đà - Việt Đức (đại diện liên danh) - Tập đoàn Xây dựng và thiết bị công nghiệp (CIE Corp) - Công ty CP Kinh doanh vật tư & xây dựng CMC. Dự án có 4 tòa cao 23 - 27 tầng, 3 tầng hầm, 3 tầng trung tâm thương mại dịch vụ, 24 tầng căn hộ. Các tầng trung tâm văn phòng sẽ có tiện ích: bể bơi, phòng gym, khu mua sắm, đảm bảo các tiện ích và dịch vụ cho cư dân của tòa nhà.
Ông Lê Xuân Thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án Việt Đức Complex, cho biết Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức - đại diện liên danh chủ đầu tư - đã được Sở Công thương Hà Nội cấp phép hoạt động kinh doanh điện lực theo đúng quy định pháp luạt tại toà chung cư Việt Đức Complex. Khách hàng phải chuẩn bị hồ sơ gồm hợp đồng mua bán căn hộ, sổ hộ khẩu (tạm trú), biên bản bàn giao nhà… thì mới đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán điện. Ông Thắng cho biết hồ sơ này sẽ là căn cứ để áp tỷ lệ giá điện… và đơn vị kinh doanh điện không thể gánh lỗ.

Tại cuộc họp có nhiều bên tham gia, cơ quan nhà nước đã yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo điện cho cư dân chung cư Việt Đức Complex

Ảnh Lê Quân

Về bất đồng chưa giải quyết được thủ tục bàn giao căn hộ (dù đã cho người dân dọn đến ở nhiều tháng qua), ông Thắng cho biết chung cư Việt Đức Complex được Cục Giám định Nhà nước (Bộ Xây dựng) chấp thuận nghiệm thu công trình vào tháng 7.2020. Chủ đầu tư đã niêm yết công khai thông tin tại các sảnh, bảng tin tòa nhà… nên không có chuyện chủ đầu tư gây khó dễ trong bàn giao căn hộ cho cư dân.
Vì sau khi nhận được văn bản chấp thuận nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng thì phía chủ đầu tư mới gửi thông báo đề nghị thanh toán tiền lần cuối khi mua căn hộ dự án cho cư dân. 2 nội dung chính của thông báo này là cư dân phải nộp 95% giá trị căn hộ, 2% kinh phí bảo trì… và đến văn phòng ban quản lý dự án để ký biên bản bàn giao căn hộ, nhận bản vẽ hoàn công điện nước sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính.
Cũng theo ông Thắng, đến nay vẫn còn khoảng 100 trong tổng số 500 căn hộ chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đợt cuối. Chủ đầu tư chưa phạt lãi chậm nộp tiền trường hợp cư dân nào.
Ông Thắng cũng thừa nhận công ty không làm theo đúng mẫu “Thông báo về việc bàn giao căn hộ” như trong hợp đồng mua bán căn hộ. Song ông Thắng lại biện minh là không có quy định buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng mẫu nên không thu hồi thông báo sai mẫu để làm lại cho đúng.
Dù vậy, ông Thắng thừa nhận “có chậm” đối với một số trường hợp cư dân mua căn hộ bàn giao hoàn thiện cơ bản và việc chậm trễ này sẽ được giải quyết thông quan toà án. “Chúng tôi tuân thủ theo quyết định của toà án khi đưa ra xét xử”, ông Thắng nói.
Trong cuộc làm việc tại UBND Q.Thanh Xuân ngày 29.12 có đại diện một số cơ quan của Q.Thanh Xuân và một số cư dân… đại diện Điện lực Thanh Xuân cho biết, chưa bán điện trực tiếp với từng căn hộ mà phải bán thông qua đơn vị liên doanh với chủ đầu tư. Để đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán điện theo quy định, cần một trong số các giấy tờ: hộ khẩu thường trú, tạm trú; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; hợp đồng mua bán nhà… và không nhất thiết phải có biên bản bàn giao nhà.
Tại cuộc làm việc liên quan đến tranh chấp tại chung cư này, đại diện các cơ quan nhà nước Q.Thanh Xuân đã đề nghị chủ đầu tư đảm bảo cấp điện cho cư dân đến ngày 7.1.2021, sau đó thực hiện ký hợp đồng mua bán điện với cư dân theo quy định, không nhất thiết phải có biên bản bàn giao nhà.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.