(TNO) Sau khi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ra quyết định di dời toàn bộ các hộ dân đang sinh sống tại đơn nguyên 3, nhà chung cư cũ C8 Giảng Võ ngay trong tháng 9, nhiều hộ dân tỏ ra rất hoang mang về chính sách hỗ trợ di dời.
>> Cơ hội mới cho nhà chung cư cũ
>> Có thể cho xây cao tầng chung cư cũ khi cải tạo
>> Hà Nội kiến nghị cho nâng tầng cao khi cải tạo chung cư cũ
>> Hà Nội tiếp tục bàn cải tạo chung cư cũ
>> Chuộng căn hộ chung cư cũ
>> Tháo dỡ 25 chung cư cũ để xây mới
>> “Chết”vì ôm chung cư cũ
>> Chung cư cũ có giá... “trên trời”
>> Chung cư cũ tăng giá
|
Theo ông Thảo, đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ tại quận Ba Đình đã xuống cấp ở mức độ D, mức nguy hiểm nhất, có nguy cơ sập đổ, mất an toàn cao cho người dân. Do vậy, trong tháng 9 phải tổ chức di dời các hộ đang sinh sống tại đây. Lãnh đạo TP.Hà Nội chỉ đạo phải tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đang sinh sống tại đây chủ động di dời. Trường hợp nào không đi, sẽ buộc phải cưỡng chế. “Nếu để xảy ra sự cố sập đổ nhà, người dân bị thương vong thì chính quyền địa phương phải lãnh trách nhiệm, trong đó chắc chắn có tôi”, ông Thảo nói trong cuộc họp với Bộ Xây dựng về cải tạo nhà chung cư cũ ngày 12.8 vừa qua.
Ông Thảo cũng giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý phát triển nhà Hà Nội bố trí tạm cư cho hơn 30 hộ dân đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ tại nhà NO6, khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp. Các hộ dân cũng được hỗ trợ theo chính sách tạm cư của thành phố. Hộ nào tự lo được sẽ được hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách.
Về việc cải tạo đơn nguyên 3, Chủ tịch TP.Hà Nội cho rằng phải nghiên cứu lại để đồng bộ với 2 đơn nguyên còn lại của nhà C8 Giảng Võ. Sở Xây dựng sẽ phải báo cáo để thành phố lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực và được sự đồng thuận của người dân.
Trao đổi với Thanh Niên Online sáng 27.8, nhiều người dân tại nhà C8 Giảng Võ cho hay, chưa thấy có văn bản hay thông báo chính thức từ chính quyền nhưng nghe qua báo chí, người dân nhà đơn nguyên 3 ai cũng hoang mang lo lắng về điều kiện, chính sách di dời không biết sẽ như thế nào. “Thực lòng mà nói thì chúng tôi cũng không muốn phải ở trong ngôi nhà xập xệ, cũ nát mãi. Nhà nước bảo là nhà xuống cấp ở mức độ nguy hiểm và để đảm bảo an toàn thì phải di dời gấp. Tuy nhiên, thay vì lo an toàn cho chúng tôi thì lại đang đẩy hàng trăm người dân vào tình trạng bất an. Chúng tôi không hề biết dời đi thì khi nào được về lại, chính sách đền bù như thế nào”, chị Nguyễn Ngọc Ngân, một cư dân đơn nguyên 3, nhà C8 Giảng Võ bày tỏ.
Cũng theo chị Ngân, việc các hộ dân buộc phải di dời đã rất khổ, lại còn phải xuống tận nhà tái định cư ở Pháp Vân – Tứ Hiệp không khác gì tạo thêm khó khăn cho dân. “Chúng tôi phải đi làm xa, phát sinh thêm nhiều chí phí. Nhưng khổ nhất là người già và trẻ nhỏ. Con cái chúng tôi đều học ở các trường quanh đây, với chúng tôi đều là trường tốt, rất phù hợp với các cháu. Bây giờ chuyển đi thì các cháu đi học quá xa, chắc phải dậy từ 3-4 giờ sáng đưa con đi học”, chị Trần Thanh Vân có 3 con nhỏ thuộc diện di dời chua chát.
Chị Vân cũng bày tỏ, rất ủng hộ chính sách cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ, tuy nhiên về điều kiện hỗ trợ di dời, nơi tạm cư mới… sao cho phù hợp với nguyện vọng đại đa số người dân. Ví dụ, thay vì chuyển người dân ở C8 Giảng Võ xuống khu tái định cư Pháp Vân – Tứ Hiệp là quá xa thì nên bố trí cho ở tại các quận gần nội thành như quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, khu Trung Hòa Nhân Chính…
Nhiều người dân ở đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ cũng đưa ra phương án đề nghị Nhà nước mua đứt rồi trả tiền cho dân tự đi mua chỗ khác. “Nếu Nhà nước đền bù hoặc mua lại nhà của chúng tôi với giá vài tỉ đồng/căn hộ, nhiều người sẽ đồng ý chuyển đi”, chị Ngân bày tỏ.
Một số hình ảnh nhà chung cư xuống cấp phải “chống nạng”.
|
Lê Quân – Minh Hoàng
Bình luận (0)