Ngoài thành tích á quân giải sinh viên - học sinh, ông Nga còn nhiều lần đoạt cúp vô địch miền Trung, được chọn vào "Đoàn Lực sĩ quốc gia môn bóng bàn" từ năm 1968. Nhờ đánh bóng bàn giỏi, ông còn hưởng nhiều ưu đãi khác. Thế nhưng đoạn cuối đời thì quá khó khăn.
Khi rời gia đình về sinh sống một mình ở TP.HCM sau năm 1975, bên cạnh việc tập luyện bóng bàn vào những lúc thật rảnh rỗi, cụ Nga phải mưu sinh cật lực bằng việc đạp xích lô, chạy xe ôm suốt gần 10 năm. Sau đó, do thể lực suy giảm nhanh nên cụ bắt đầu lúng túng khi đi tìm việc mới phù hợp.
Sống một mình nên có lúc cụ Nga cũng nghĩ quẩn. Có lần, khi làm mất giấy chứng minh nhân dân, cụ Nga lại chẳng khai báo gì, cứ nghĩ "Đời tôi cũng quá cực khổ rồi, không ai làm gì gây khó cho tôi nữa đâu". Nơi ở của cụ cũng hay xê dịch: lúc thì ở khu nhà trọ rất thiếu tiện nghi ở hẻm 79 đường Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh), lúc thì ở sát gầm cầu Kinh. Có khi cụ chỉ cần mắc võng đong đưa ở công viên bên khu Thanh Đa.
22 giờ đêm mùng 5 Tết Kỷ Hợi (2019), với chiếc xe đạp cũ, cụ Nga rời bỏ nhà ở tạm để đi đến cầu Kinh. Trải tấm nhựa cũ ở mặt đường, cụ ngủ vùi giữa trời. Đêm đó, có người ở khu Thanh Đa thấy vậy nên mời cụ về nhà mình ngủ qua đêm. Từ đó, cụ Nga bán vé số trên cầu Kinh và lận đận khi dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm.
Câu chuyện cụ Đinh Ngọc Nga, ở tuổi quá thất thập mỗi buổi tối bất kể mưa to gió lớn vẫn ngồi co ro bán vé số trên cầu Kinh Thanh Đa (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) làm xúc động đông đảo bạn đọc khi Thanh Niên Online đăng tải. Bài báo tiếp tục lan tỏa ra cộng đồng, được rất nhiều người cảm thông và cùng nhau hỗ trợ cụ bằng nhiều cách, kể cả đến gặp trực tiếp ngay tại cầu Kinh. Nhờ vào câu chuyện trên, không ít người nhận ra cụ Nga chính là người họ từng biết và ngưỡng mộ, đặc biệt là "những người cũ" của bộ môn bóng bàn.
Có được sự hỗ trợ chân tình của cộng đồng, cụ thấy yên tâm hơn trong việc mưu sinh ở tuổi xế bóng. Chính vì vậy, hơn một năm sau mới gặp lại cụ, tôi vô cùng mừng rỡ khi thấy thần sắc của cụ Nga rạng rỡ hẳn lên, cụ đã có dáng vóc khỏe khoắn và khuôn mặt tươi vui hơn trước nhiều.
Biết tôi thích môn thể thao chỉ dùng bóng nhựa để đánh trên bàn, cụ khoe ngay: "Tôi rất vinh dự được ban tổ chức Hội thao người cao tuổi năm 2022 của toàn Q.1 (TP.HCM) tặng cờ kỷ niệm và trao thưởng nhờ đoạt giải 3 đơn nam hạng trên 70 tuổi". Cụ còn khoe phong độ chơi bóng bàn của mình còn tốt lắm…
Từ chỗ không nhà, một mình mưu sinh giờ đây cuộc sống và sức khỏe của cụ đã cải thiện rất nhiều. Đặc biệt, ở tuổi gần 80, cụ Đinh Ngọc Nga đã có thể trở lại bên bàn bóng bàn trong những giải lão tướng.
Tháng 6.2023 cụ Nga chuyển đến ở trọ lâu dài với vợ chồng đứa cháu bà con tại đường Đỗ Xuân Hợp (TP.Thủ Đức). Sau một thời gian, cụ được cấp giấy chứng nhận cho vào danh sách tạm trú, chờ một thời gian ngắn sẽ được làm thẻ căn cước chính thức. Ơn trời, trước đây cụ đã mất giấy chứng minh nhân dân, lại chẳng biết hộ khẩu mình ở đâu, trục trặc biết bao việc! Qua những thăng trầm, cụ Nga rất xúc động trước tình cảm của bạn đọc, người hâm mộ đã hỗ trợ mình vượt qua nhiều khó khăn.
Cụ Nga cũng đặc biệt cảm ơn Thanh Niên Online và các cơ quan truyền thông cũng như đội ngũ hoạt động bóng bàn cả nước chuyển thông tin rất kịp thời, góp phần chính lan tỏa rộng rãi thông tin để có kết quả tốt.
Bình luận (0)